Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khai mạc trực tuyến tại Hà Nội
VOV.VN - Việt Nam tin tưởng hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN sẽ thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm.
Là hai sự kiện quan trọng nhất trong các hoạt động, hội nghị quốc phòng - quân sự của ASEAN do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 9 và 10/12.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam tin tưởng hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN sẽ thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm. Với tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", các nước ASEAN vẫn tiếp tục duy trì hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN trong năm qua, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Điều đó được thể hiện qua hàng loạt hoạt động về chính trị, đối ngoại, kinh tế, quốc phòng, an ninh trong năm 2020, mà điểm nhấn quan trọng là Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan vừa qua.
Hợp tác quốc phòng ASEAN đã đóng góp tích cực vào phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2020. Theo đó, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp) tháng 2/2020 đã có Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh. Đồng thời, các nước đã tham gia Diễn tập trực tuyến cơ chế xử lý tình huống về phòng, chống dịch COVID-19 giữa Quân y các nước ASEAN.
Nhân dịp này sẽ diễn ra một số hoạt động liên quan như Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+, Chương trình khách mời của nước Chủ tịch, lễ bàn giao vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ cho Brunei…
10 năm trước, ADMM+ đầu tiên diễn ra ở Hà Nội đã đánh dấu sự ra đời của một cấu trúc an ninh quân sự - quốc phòng mà các nước tham gia phải chấp nhận một luật chơi cơ bản là hợp tác vì mục đích hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với ADMM+, Việt Nam đã tạo ra cơ sở để công khai, minh bạch những vấn đề song phương hoặc đa phương còn tồn tại giữa Việt Nam với các nước. Như vậy, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong đấu tranh bảo vệ độc lập tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và đặc biệt là đấu tranh gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước./.