Hội Nông dân phải góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
VOV.VN - Chủ tịch nước: giải quyết vấn đề tái cơ cấu chậm cần có sự chung tay của Hội Nông dân trong đó đề xuất, nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa
Chiều 1/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sơ kết 5 năm thực hiện đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020".
Chủ tịch nước cùng đại biểu Hội Nông dân các tỉnh về dự Hội nghị |
Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, qua 5 năm thực hiện kết luận 61 của Ban Bí thư trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, sự chủ động của Hội Nông dân và nỗ lực của hội viên nông dân, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân nông thôn đã có bước phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm hàng năm hiện chỉ còn 10,8% theo tiêu chí mới; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24,5 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010, hơn 97% số hộ nông dân được dùng điện và hơn 90% số hộ dùng nước hợp vệ sinh…
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, nhưng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung kết luận 61, quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, cấp bổ sung ngân sách, bố trí mặt bằng để xây dựng các trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; bổ sung ngân sách cho Quỹ hỗ trợ nông dân…tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh và xây dựng nông thôn mới tạo sự tin tưởng của bà con nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo và tham luận của các đại biểu tại buổi làm việc cũng chỉ ra những hạn chế, đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai còn chậm, chưa đồng bộ; nông dân thiếu và khó tiếp cận vốn... những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, thuốc bảo vệ thực vật, thú ý, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng và nhất là vấn đề được mùa mất giá vẫn gây bức xúc cho nông dân.
Các đại biểu đề xuất cần phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, củng cố nâng cao chất lượng hiệu quả của các cấp hội, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dạy nghề nhưng tránh tràn lan theo phong trào, cần tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất xóa bỏ việc phân tán, manh mún không có định hướng quy hoạch vùng sản xuất; xác định rõ vai trò Nhà nước trong liên kết 4 nhà để hỗ trợ sản xuất, tiêu thu nông sản cho nông dân; khắc phục tình trạng được mùa mất giá; triển khai hoàn thiện đề án "Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn"… nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương và nhấn mạnh, Nghị quyết TW7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống tạo sự phấn chấn ở nông thôn. Trong bối cảnh khó khăn chung thì nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều thành tựu, mức tăng trưởng bình quân đạt khoảng 2,7% GDP, nông lâm thủy sản là lĩnh vực xuất siêu đạt 30 tỷ USD, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông lâm thủy sản mới mang lại hiệu quả cao.
Chủ tịch nước cho rằng với tiềm năng còn rất lớn nếu chúng ta ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến thì chắc chắn giá trị đạt được sẽ cao hơn và quan trọng là phải phát huy được vai trò của Hội Nông dân trong dạy nghề, chuyển giao công nghệ để nâng cao hơn nữa năng suất lao động của nông dân nói riêng và lao động Việt Nam nói chung.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh Hội Nông dân tích cực vận động và triển khai hiệu quả Quỹ Hội Nông dân giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, cùng với đó là việc xây dựng nông thôn mới đã được Hội Nông dân hết sức quan tâm, trong đó việc xây dựng đề án xác định người nông dân là chủ thể của sự phát triển là việc làm có ý nghĩa và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhất trí với những hạn chế được các đại biểu chỉ rõ, Chủ tịch nước cho rằng giải quyết vấn đề tái cơ cấu chậm cần có sự chung tay của Hội Nông dân trong đó đề xuất, nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tránh sản xuất phân tán, manh mún; chuyển đổi mô hình quản lý hợp tác sao cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi đối với nông dân nhằm đưa chính sách tam nông thực sự đi vào cuộc sống.
Ghi nhận những kiến nghị về phát triển hệ thống kho chứa và đầu tư thiết bị để bảo quản nông sản, thay thế hỗ trợ gián tiếp qua doanh nghiệp; tổng kết, đổi mới chính sách và tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ… Chủ nước nhấn mạnh đây là những vấn đề lớn sẽ được tiếp thu xem xét để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển bền vững trong quá trình đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới./.