Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7

Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận và đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng

Chiều 24/7, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ nhằm thông báo những nội dung quan trọng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII.

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cùng đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt  Nam.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận và đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, đồng thời thống nhất các biện pháp chỉ đạo, điều hành trong 5 tháng còn lại của năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nhìn chung nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong tháng 7 tình hình kinh tế-xã hội đã dần đi vào ổn định, lạm phát đang được kiềm chế; nhập siêu có xu hướng giảm mạnh, thị trường ngoại hối từng bước ổn định. Một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan, nhất là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt hơn 51 tỷ USD trong 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất công-nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. An sinh xã hội được chú trọng. Quốc phòng an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 mặc dù tăng 1,17% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là do giá cả một số mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước tăng cao, nhất là các sản phẩm chăn nuôi. Nguyên nhân là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng; Giá các hàng hóa cơ bản trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch tai xanh trên lợn, dịch lở mồm long móng trên trâu bò.

Ngoài ra việc thu mua nông sản, thực phẩm với một số lượng lớn một cách bất thường của thương nhân nước ngoài. Cùng với dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ thảo luận và thống nhất các giải pháp chủ yếu điều hành kinh tế xã hội trong các tháng cuối năm trong đó tiếp tục thực hiện nhất quán, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn nữa việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên