Tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết tán thành kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về thời điểm chính thức thực hiện chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức.

Nhận định năm 2020 là năm kinh tế - xã hội cả nước bị ảnh hưởng lớn, khó hoàn thành các mục tiêu, do đó, thống nhất thời điểm cải cách tiền lương lùi đến 1/7/2022 thay vì 1/7/2021 như Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách tiền lương.

Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

PV: Thưa ông, lộ trình cải cách tiền lương cho công chức, viên chức được lùi đến 1/7/2022 dựa trên những căn cứ nào, việc này có tác động ra sao đến đội ngũ công chức, viên chức thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách hệ thống chính sách tiền lương, mục tiêu đến 1/7/2021, nhưng quá trình chuẩn bị điều kiện cho cải cách tiền lương đang hết sức khó khăn. Đại dịch Covid-19, lũ lụt miền Trung, khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Do đó, Trung ương đã quyết định tạm dừng cải cách chính sách tiền lương năm 2021, chuyển sang năm 2022.

Tinh thần chung nếu chúng ta khôi phục sản xuất tốt, chuẩn bị nguồn lực và cải cách bộ máy hành chính tốt, giảm nhẹ biên chế theo đúng tinh thần của nghị quyết Trung ương thì cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào 1/7/2022.

Theo tinh thần của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nếu kinh tế phát triển, chúng ta có thể thực hiện sớm hơn, hoặc tình hình dịch bệnh chưa dừng lại và ngân sách còn khó khăn, có thể phải lùi thêm một thời gian nữa để chuẩn bị nguồn lực.

Năm 2021, chúng ta tạm dừng chưa tăng tiền lương cơ sở và chậm cải cách tiền lương, điều này tác động lớn đến đời sống cán bộ viên chức, công chức, lực lượng vũ trang. 

Chính phủ đang quyết tâm để có thể điều chỉnh tiền lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng như hiện nay lên 1,6 triệu đồng. Cùng với đó, phải sớm điều chỉnh cho người có công, người về hưu có lương thấp, đặc biệt là những người về hưu trước 1/1/1993 phải hưởng mức lương hưu rất thấp.

PV: Vậy để thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2022, cần có những bước chuẩn bị tiếp theo ra sao, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ra phải thực hiện các biện pháp khác nhau như sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế, giảm nhẹ biên chế, thu gọn đầu mối để giảm phần chi ngân sách cho Nhà nước, giảm tiền lương trả cho công chức, viên chức.

Vấn đề quan trọng là cần tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập để tiết kiệm nguồn ngân sách, tạo nguồn để cải cách tiền lương khi đủ điều kiện. Về mặt nguyên lý, có rất nhiều cách để tạo nguồn cải cách tiền lương. Trong đó, chuyển quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập là nguồn chính để cải cách tiền lương. Chúng ta cần chuyển bộ phận công chức, viên chức từ hưởng lương theo ngân sách sang hưởng lương bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hơn 70% công chức, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách, nếu chuyển sang tự chủ, trả lương bằng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thì sẽ tạo ra một nguồn nhất định cho cải cách tiền lương. 

PV: Hiện nay, Chính phủ đã ban hành quyết định dự toán tài chính cho cải cách tiền lương, ông có thể nói thêm về nguồn lực này, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương và đề án cải cách chính sách tiền lương, chúng ta sẽ tập trung huy động nguồn lực bằng 7 giải pháp.  Đầu tiên phải cải cách hành chính, xắp xếp tổ chức, giảm nhẹ biên chế, phấn đấu kết thúc năm 2020, giảm biên chế được 10%. 

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, cho đến nay, về cơ bản chúng ta đã vượt được chỉ tiêu giảm biên chế 10% theo tinh thần của Nghị quyết. 

Tiền chi trả lương cho 10% cán bộ công chức đó chính là một nguồn để tích lũy thực hiện chính sách cải cách tiền lương. 

Thứ hai là tiếp tục tiết kiệm các nguồn chi hành chính, chi hội họp, đi nước ngoài và các khoản chi chưa hiệu quả hoặc không hiệu quả để chuẩn bị nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương. 

Thứ ba là ngân sách Trung ương cũng phải tiết kiệm một phần chi ở một tỷ lệ nhất định theo tinh thần của Nghị quyết. Địa phương cũng phải tiết kiệm nguồn chi của địa phương để tự cân đối và quan trọng là tiếp tục thực hiện các chủ trương về tiết kiệm hành chính, xăng xe các khoản có thể tiết kiệm được để làm trước khi cải cách chính sách tiền lương hoặc điều chỉnh mức tiền lương cơ sở phải có nguồn lực để nâng lương cơ sở cho cán bộ công chức viên chức và người nghỉ hưu.

 Cải cách chính sách tiền lương phải làm sao để tiền lương thực tế của người lao động, cán bộ công chức viên chức, người nghỉ hưu không bị giảm sút, không tác động đến chỉ số giá sinh hoạt, tiêu dùng CPI.

Cải cách tiền lương mục tiêu để nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người nghỉ hưu, tạo ra động lực phát triển xã hội, để khi tăng lương, hiệu quả công tác năng suất lao động phải được tăng lên.

Phải coi đầu tư cho cải cách tiền lương hay nói cách khác là điều chỉnh tiền lương như đầu tư cho sự phát triển của con người. Phải lấy đầu tư này làm động cơ để thúc đẩy phát triển xã hội, tăng năng suất lao động, thể hiện đúng nguyên tắc tiền lương là chi trả cho chi phí lao động thông qua giá cả sức lao động trên thị trường, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Do đó, phải chuẩn bị nguồn lực và các điều kiện để khi cải cách tiền lương là ổn định được xã hội và thúc đẩy được sự  phát triển, quan trọng nhất là tạo được tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn khi chưa cải cách chính sách tiền lương. 

PV: Tinh giản biên chế là bước đi quan trọng để tiến tới thực hiện cải cách tiền lương, nhưng tinh giản thế nào để tránh cắt giảm một cách “cơ học”, giữ được người tài lại là vấn đề không dễ, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tinh giảm biên chế được thực hiện theo Luật cán bộ công chức và viên chức,  cho đến 1/1/2021 chúng ta không còn cơ chế viên chức suốt đời với mục tiêu bố trí người lao động và viên chức theo đúng vị trí việc làm, mục tiêu là để tăng năng suất lao động, giảm bộ phận “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” không tạo ra năng suất lao động cho cơ sở cho đơn vị thì phải tinh giảm.

Nếu như người lao động có 2 năm liên tục không hoàn thành trách nhiệm đương nhiên chủ sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng. 

Mục tiêu của chúng ta tiền lương phải gắn với năng suất lao động, không thể có chuyện tiền lương trả cho tất cả mọi người mà không tính toán đến hiệu quả kinh tế và năng suất lao động. Không có bộ máy nào chịu được như vậy. 

Trong tổ chức triển khai thực hiện chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc đúng người đúng việc, sắp xếp đúng năng lực trình độ, đúng vị trí việc làm, không làm cho tình hình phức tạp hơn, tạo ra sự mất đoàn kết thống nhất trong đơn vị.

Nếu như người đứng đầu không khách quan, giảm những người có trình độ năng lực, giữ lại những người không có năng lực, con ông cháu cha là không đúng với nguyên tắc.

Việc tinh giản biên chế đòi hỏi chủ sử dụng lao động hay thủ trưởng các đơn vị phải phát huy tinh thần trách nhiệm thật dân chủ, khách quan, công khai minh bạch, bố trí đúng người đúng việc và đưa ra khỏi bộ máy là những người hoàn toàn không có khả năng để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu để hỗ trợ người lao động khi ra khỏi dây chuyền sản xuất phải được đào tạo, đào tạo lại để có việc làm mới, không được đẩy người lao động ra xã hội. Đây là việc không phải đơn vị nào cũng có thể làm tốt.

PV: Khi chuẩn bị cải cách tiền lương, chúng ta có gặp phải những khó khăn gì không, thưa ông?

Bùi Ông Sỹ Lợi: Đến thời điểm này về cơ bản chúng ta đã khống chế được dịch Covid-19. Phải nói rằng, chúng ta đã rất chủ động trong phòng chống dịch, nhưng tình hình thế giới vẫn rất phức tạp, hiện nay số ca mắc và số người chết vẫn tiếp tục tăng, đây chính là nguy cơ không thể dự báo trước, dịch có thể chấm dứt hay không. Đây là một thách thức.

Chúng ta vừa trải qua đại dịch tác động đến phát triển kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, nhiều người dân gặp phải hoàn cảnh hết sức khó khăn, tiếp đó là lũ lụt, biến đổi khí hậu làm cho một bộ phận người dân rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Đảng và Nhà nước đang tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề này. 

Do đó, điều kiện về vật chất, ngân sách đang rất khó khăn. Tuy nhiên quyết tâm chính trị của chúng ta là cân đối nguồn lực, tính toán cân đối ngân sách chi cho hợp lý. Nói cách khác là sử dụng ngân sách một cách có hiệu quả.

Giai đoạn này, chúng ta phải làm sao tập trung vào những công trình trọng điểm ưu tiên trước. Chúng ta cũng không thể xếp hàng ngang để đi mà phải đi theo hàng dọc, lấy hiệu quả đầu tư làm thước đo để xác định đầu tư vào đâu, như thế nào, đầu tư bao nhiêu cho có hiệu quả để tạo được nguồn lực, nâng cao đời sống nhân dân. 

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là phát triển kinh tế gắn với phải đảm bảo an sinh xã hội, đây là mục tiêu rất quan trọng.

Hiện nay, Chính phủ đang kêu gọi tiếp tục phát triển kinh tế, coi đây như nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu và vừa tăng trưởng kinh tế. Chỉ khi khống chế được dịch bệnh, biến đối khí hậu, chúng ta mới có điều kiện, nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!/.


Thứ Tư, 06:01, 30/12/2020