Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị trực tuyến rà soát công tác chuẩn bị bầu cử
VOV.VN - Ngày 18/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá, rà soát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Tòa nhà Quốc hội gồm có: 06 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 03 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; các đồng chí đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Các đồng chí lãnh đạo đại diện: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Tiểu ban, Tổ giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia.
Thành phần tham dự Hội nghị tại điểm cầu ở các địa phương, gồm có: 01 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 37 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí là lãnh đạo cấp ủy, Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Ban Tổ chức tỉnh, thành ủy, Sở Nội vụ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số Bộ, ngành có liên quan; nghe ý kiến phát biểu của các vị thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, lãnh đạo Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia kết luận như sau:
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một sự kiện chính trị rất trọng đại của đất nước, diễn ra trong bối cảnh cả nước phải thực hiện 03 nhiệm vụ song song: Tập trung ưu tiên về thời gian, nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; tập trung cao độ cho công tác bầu cử và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế và đảm bảo các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị.
Qua xem xét các báo cáo, ý kiến của các địa phương và kết quả kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể khẳng định cho đến nay mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021. Tất cả các địa phương đều quyết tâm hoàn thành bầu cử đúng thời gian, kể cả các địa phương đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng,… Trong đó, công tác nhân sự đã được chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước, nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương những công việc và trọng trách được giao. Công tác tổ chức để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử được thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả, đúng quy định pháp luật cho thấy việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông và tổ chức vận động bầu cử trực tuyến ở hầu hết các địa phương là một sáng kiến áp dụng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 mà cần áp dụng cả trong điều kiện bình thường, giúp số lượng cử tri được tiếp xúc nhiều hơn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học, chủ động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm rất cao. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị mà trực tiếp là Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban bầu cử các cấp đã tập trung rất cao cho các nhiệm vụ trọng yếu nêu trên, đồng thời rất nỗ lực, quyết tâm, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai bảo đảm để cuộc bầu cử lần này được diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp.
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày bầu cử, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và khu vực đang diễn biến rất phức tạp, bùng phát ở một số địa phương, lan rộng nhiều tỉnh, thành trong cả nước; nhiều khu vực phải cách ly, phong tỏa hoặc giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau; tình hình thiên tai, mưa, bão lụt, an ninh trật tự có thể diễn biễn bất thường, vì vậy tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Hội đồng bầu cử quốc gia nhất trí với những đánh giá, nhận định cũng như các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới được nêu trong các báo cáo của các cơ quan và địa phương, đồng thời đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan, các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác bầu cử và các quy định của pháp luật, kế hoạch, chương trình đã đề ra; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa phương địa bàn và triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị.
2. Tiếp tục tổ chức diễn tập kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng như sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp về thiên tai, bão lũ, về an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các tình huống tụ tập đông người, đình công, lãn công, gây rối,… nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra thành công và an toàn. Tiếp tục tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho nhân sự làm công tác bầu cử, nhất là nhân sự tham gia tổ bầu cử. Cần dự phòng nguồn nhân lực kịp thời bổ sung cho các tổ bầu cử khi phải thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu tại cơ sở cách ly tập trung và kịp thời thay thế cho các nhân sự làm công tác bầu cử trong trường hợp là F0 hoặc phải cách ly theo yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn tại văn bản số 225/VPHDBCQH-PL ngày 11/5/2021 của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia. Tổ chức xét nghiệm cho tất cả các nhân sự tham gia công tác bầu cử, nhất là tại các tổ bầu cử và địa bàn có nguy cơ cao về dịch bệnh. Địa phương nào có khó khăn về nguồn lực thì cần phản ánh kịp thời với Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, các cơ quan Trung ương để có điều tiết và hỗ trợ như đối với tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian vừa qua.
3. Ủy ban bầu cử các cấp thực hiện chế độ báo cáo kịp thời, nhất là báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về những vấn đề phát sinh đến nhân sự ứng cử và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuẩn bị; kịp thời rà soát, cập nhật số lượng cử tri thực tế trên địa bàn đến trước ngày bầu cử, nhất là các trường hợp đang bị cách ly ở địa phương khác nhằm bảo đảm quyền của của cử tri cũng như đảm bảo tỷ lệ đi bầu cao nhất. Giao Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin tuyên truyền rà soát các quy định của pháp luật để hướng dẫn trường hợp cử tri cách ly ở một xã khác nhưng trong cùng một huyện thì có thể thực hiện bầu 3 cấp (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện) theo đề nghị của địa phương. Linh hoạt tổ chức các địa điểm, khu vực bầu cử tại các địa bàn trong diện thực hiện giãn cách xã hội hoặc khu vực cách ly tập trung hoặc khu vực phong tỏa phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trường hợp có tình huống phát sinh bất ngờ như mưa bão, lũ thì cần có phương án dự phòng các thùng phiếu phụ, các thùng phiếu lưu động. Hoàn thành việc tổ chức vận động bầu cử của các ứng cử viên bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật và không có tiêu cực trong vận động bầu cử.
4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về bầu cử, chú trọng thông tin cơ sở (truyền thanh xã, phường). Càng sát ngày bầu cử cần tuyên truyền chi tiết hơn về quyền và nghĩa vụ bầu cử của người dân cũng như nghiệp vụ bầu cử (các bước cụ thể về bẩu cử, các nguyên tắc trong quá trình bỏ phiếu…). Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng trực quan, sinh động, hiệu quả hơn, trong đó phát huy hiệu quả mạng xã hội. Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, cần phát huy tốt vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, những chức sắc tôn giáo có uy tín tham gia tuyên truyền bầu cử; sẵn sàng phương án hòm phiếu lưu động để phục vụ người dân trong trường hợp cần thiết. Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, kể cả trên không gian mạng.
5. Tập trung, quyết tâm hoàn thành việc bầu cử sớm ở những địa bàn, khu vực đã được Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý và bầu cử tập trung cao độ cho công tác bầu cử trong cả nước vào ngày 23/5/2021. Đối với những khu vực có nhu cầu bầu cử sớm, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có văn bản sớm đề nghị để Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định và kịp thời hướng dẫn nếu có vấn đề phức tạp phát sinh.
Thực hiện nghiêm việc niêm phong, vận chuyển hòm phiếu, tổ chức kiểm phiếu, báo cáo nhanh kết quả bầu cử tại địa phương mình gửi Hội đồng bầu cử quốc gia. Vào ngày 23/5/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ bố trí bộ phận thường trực tại tòa nhà Quốc hội để theo dõi cuộc bầu cử, đồng thời thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận báo cáo, phản ánh từ các địa phương. Đề nghị Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố báo cáo nhanh kết quả bầu cử ở địa phương mình trong ngày 23/5/2021 để Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia kịp thời tổng hợp, có báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử trong cả nước gửi Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và các thành viên trong Hội đồng bầu cử vào ngày 24/5/2021.
6. Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Kiên quyết không để các thế lực thù địch phản động phá hoại cuộc bầu cử. Các lực lượng công an, quân đội, tự vệ, y tế cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử. Tùy tình hình dịch bệnh, cần linh hoạt trong việc tổ chức khai mạc bầu cử, bảo đảm trọng thị, nghiêm trang nhưng gọn nhẹ. Bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, cho cán bộ, nhân viên tổ bầu cử và cử tri. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, về các biện pháp phòng, chống dịch.
7. Khẩn trương cấp phát đủ kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương phát sinh nhiều do phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với thiên tai, bão lũ và những địa phương đặc biệt khó khăn chưa thể cân đối được ngân sách theo tinh thần có chi thì phải có cấp phát hỗ trợ. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương, đề nghị Bộ Tài chính xem xét nguồn kinh phí phù hợp để tham mưu báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng quyết định sớm, tránh để vấn đề kinh phí ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử như địa điểm bỏ phiếu, trang trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị đủ hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ, hòm lưu động, con dấu của các tổ chức bầu cử, thiết bị âm thanh, ánh sáng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, các biển chỉ dẫn… Đẩy mạnh trang trí, trang hoàng ở các khu vực dân cư, khu công cộng, điểm bỏ phiếu; bảo đảm các điểm bỏ phiếu có đủ không gian cần thiết để niêm yết danh sách ứng cử viên phục vụ cho cử tri nghiên cứu về tiểu sử ứng cử viên và bỏ phiếu.
8. Cần lưu ý bảo quản các tài liệu như biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu cử tránh thất lạc, hư hỏng. Các cơ quan điện lực, viễn thông cần đảm bảo cung cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trong ngày bầu cử.
9. Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng thời hạn quy định. Kịp thời xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
10. Hội đồng bầu cử quốc gia khẩn trương xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu; bàn giao biên bản tổng kết, hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cần sớm có kế hoạch tổng kết, khen thưởng, biểu dương những tập thể, những tổ chức và cá nhân có công lao, có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử lần này.
11. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo; quan tâm bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, môi trường sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người, các tình huống bất ngờ làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị./.