Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2020-2025
VOV.VN - Về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cơ bản, Thái Bình đến năm 2025, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá; đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu.
Sáng nay 14/10, 350 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 108.500 đảng viên trong toàn tỉnh đã tham dự Lễ khai mạc chính thức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Với phương châm: Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương- Sáng tạo- phát triển, Đại hội có chủ đề “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Lễ khai mạc Đại hội còn có lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX có nhiệm vụ: Kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; phân tích, đánh giá đúng tình hình, kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; hoạch định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ tới. Đồng thời tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quán triệt sâu sắc các yêu cầu về cơ cấu, tiêu chuẩn đối với cấp uỷ viên, phát huy dân chủ, lựa chọn những người có đủ phẩm chất và năng lực để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhờ quyết tâm, lỗ lực, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đạt được nhiều thành tựu nổi bật và khá toàn diện về kinh tế xã hội. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6% năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá toàn diện. Thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt dự toán được giao, năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo.
Đặc biệt, với quyết tâm cao, Thái Bình đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình, đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt. Các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đang được tập trung hoàn thiện để xây dựng một số công trình hạ tầng, kỹ thuật quan trọng và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế, nhất là thu hút các nhà đầu tư có năng lực.
Về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cơ bản, Thái Bình đến năm 2025, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá; đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đòng bằng sông Hồng; hằng năm cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên. Các cơ quan chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội xếp loại tốt đạt 90% trở lên.
Bình quân giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10%/năm trở lên. Năng suất lao động (theo giá so sánh) tăng từ 9%/ năm trở lên. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%/năm trở lên. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm so với GRDP đạt 60% trở lên. Tốc độ tăng thu ngân sách nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất) đạt 12% trở lên.
Đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đạt 80% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng trở lên. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động toàn xã hội giảm còn 22%,. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên.
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên. Số bác sỹ trên 1 vạn dân đạt 14 bác sỹ trở lên. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 99% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/ năm trở lên. Giảm tỷ lệ 1/3 số hộ nghèo so với năm 2020.
Tuy nhiên, báo cáo Chính trị cũng chỉ ta những hạn chế, yếu kém quy mô kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chất lượng tăng trưởng chưa cao. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm, chưa đạt yêu cầu, còn 3/31 chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và theo chiều rộng, hiệu quả đầu tư chưa cao. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với khu vực và cả nước. Nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, còn hiện tượng người dân bỏ ruộng không canh tác.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong ba ngày 13-15/10/2020. Đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng tỉnh tỉnh khóa XX, bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư và bầu 9 Uỷ viên UB Kiểm tra Tỉnh uỷ Thái Bình.
Theo báo cáo nhân sự trình TƯ, đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình khoá XX gồm 51 người (giảm 3 người so với khoá XIX) từ 59 người được bầu để tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX. Trong đó, số nhân sự tham gia cấp ủy tỉnh lần đầu là 17 người.
Số lượng ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX dự kiến 15 nhân sự (bằng Đại hội khóa trước), Đại hội trình 16 nhân sự để các đại biểu bầu, trong đó bầu tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 14 nhân sự (bầu khuyết 1 nhân sự).
Tại các cuộc họp về nhân sự đại hội trước đó, Tỉnh uỷ Thái Bình đã thống nhất và báo cáo TƯ về việc giới thiệu ông Ngô Đông Hải, Uỷ viên Dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình khoá XIX để bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khoá XX; giới thiệu các ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thái Bình khoá XIX, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình và ông Nguyễn Khắc Thận, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh uỷ Thái Bình khoá XIX, Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách UBND tỉnh Thái Bình, để bầu vào chức danh Phó Bí thư tỉnh ủy Thái Bình khoá XX./.