Khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế rừng

Chúng ta cần phải khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên từ rừng, tiến tới không phải nhập khẩu nguyên liệu.

Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 -2010 và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

Trong buổi thảo luận, các thành viên UBTVQH cho ý kiến về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cũng như giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu và định hướng phát triển lâm nghiệp đã nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020.

Báo cáo kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 -2010 cho thấy: Qua quá trình thực hiện, nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ rừng, phát triển rừng của các địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt. Rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ rừng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 1998 độ che phủ rừng là 32%, đến năm 2010 tăng lên gần 40%. Trữ lượng rừng từng bước được nâng lên, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo được nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản khác.

Dự án cũng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của các địa phương, đến năm 2010 đã có hơn 1,2 triệu hộ gia đình với hơn 4,6 triệu lao động tham gia dự án, trong đó 38% là hộ nghèo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: Diện tích đất trống đồi trọc vẫn còn nhiều với hơn 2 triệu ha; một số nơi tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, chất lượng của từng loại rừng ở nhiều khu vực bị suy giảm…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được thực hiện trên phạm vi cả nước không chỉ có ý nghĩa lớn về môi trường mà còn tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước hiện nay chỉ đáp ứng cho một phần nhu cầu thiết yếu trong nước, còn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu (khoảng 80%). Điều này là một sự lãng phí lớn vì chúng ta chưa biết khai thác những lợi ích kinh tế mà rừng đem lại.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ nay đến năm 2020, chúng ta cần phải phân loại, tìm hiểu rõ chất lượng rừng để khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên này, tiến tới không phải nhập khẩu nguyên liệu.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay, độ che phủ của rừng tuy đã tăng nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu, diện tích rừng đất trống đồi núi trọc vẫn còn nhiều với hơn 2 triệu ha. Một số nơi tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ còn diễn ra gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, muốn đẩy mạnh tốc độ trồng, phát triển rừng phải chú trọng tới công tác bảo vệ rừng. Trách nhiệm bảo vệ rừng không chỉ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, từng địa phương mà còn cả ý thức của người dân. Để nhân dân yêu mến và tích cực bảo vệ rừng thì phải cho nhân dân thấy lợi ích kinh tế mà rừng đem lại như tăng thu nhập, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo…

Đồng ý với quan điểm trên, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá nên phải biết bảo vệ nguồn tài nguyên này thông qua hình thức xã hội hóa.

Không chỉ có Nhà nước quản lý, khai thác và bảo vệ rừng mà các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay đóng góp công sức, kinh phí vào bảo vệ rừng thì dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được thực hiện trên phạm vi cả nước mới thực sự phục vụ bền vững cho nền kinh tế xã hội.

Trong chiến lược bảo vệ rừng, cần chú ý tới quy hoạch rừng gắn với bảo vệ đất đai, hạ tầng giao thông, công trình thuỷ lợi… Trong đó, cần xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ số lượng và chất lượng để chống lại lâm tặc, khai thác rừng bừa bãi, thiếu quy hoạch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên