Khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng: Việc phải làm
VOV.VN - TS Nguyễn Quốc Dũng: Vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh là sự sai phạm mang tính điển hình và việc xử lý đó là công minh.
Ngay khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, người ra Quyết định ấy cũng rất đau đớn.
PV: Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Là Giám đốc một Học viện Chính trị, ông suy nghĩ gì về một đảng viên của chúng ta như vậy?
TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
PV: Vụ án lịch sử Trần Dụ Châu là bài học sâu sắc trong công tác phòng chống tham nhũng. Thực sự "rất đau lòng" nhưng Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Chắc hẳn người ra quyết định đó cũng rất đau lòng?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Đấy là quyết định cao nhất, kỷ luật cao nhất của Đảng. Đảng ta có 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Người giải quyết cũng rất đau đớn và tôi nghĩ rằng cách ra quyết định ấy cũng phải rất cân nhắc. Nhưng với những sai phạm như được báo cáo, thì việc khai trừ ra khỏi Đảng là phải làm, nhất là trong điều kiện chúng ta phải củng cố lại chất lượng, phải lấy lại niềm tin. Chúng ta phải quyết liệt, đó là sự sống còn của chế độ, sự sống còn của Đảng ta, của đất nước ta. Vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh là sự sai phạm mang tính điển hình và việc xử lý đó là công minh.
PV: Ông Trịnh Xuân Thanh không nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm. Chỉ ngay việc đó thôi, ông này cũng không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng ta?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Đúng vậy! Tất cả đảng viên phải tự kiểm điểm một cách trung thực với mình. Khi vào Đảng, chúng ta đã thề rằng, phải hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên, một trong những điều kiện là đảng viên phải trung thực và tận tâm phục sự cho đất nước, cho Dân tộc và cho Đảng. Những điều ấy, những lời thề ấy phải xuất phát từ đáy lòng. Việc ta làm ngược lại điều đó, đương nhiên, dư luận không đồng tình, mà cả từng cán bộ đảng viên cũng không đồng tình.
Tôi cho rằng, đây là một bài học, lời cảnh tỉnh cho tất cả những cán bộ đảng viên khác. Những đảng viên có chức, có quyền, có vị trí phải lấy đó mà tránh xa.
Tôi rất đồng tình và hoan ngênh Ban chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, đã rất quyết liệt. Tôi công tác ở Học viện Chính trị, qua hoạt động giảng dạy thấy rằng, học viên, kể cả cán bộ về hưu đều bày tỏ sự đồng tình; phải làm như thế, không thể khác được nếu muốn Đất nước ta, Dân tộc ta tiếp tục phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông./.