"Kháng chiến gian khổ nhưng không ai thấy sợ hãi, quyết tâm giải phóng miền Nam"
VOV.VN - Theo bà Nguyễn Thị Anh Chín - người lính Trường Sơn năm ấy, trong những năm kháng chiến gian khổ là vậy, nhưng không ai thấy sợ hãi. Không phân biệt nam nữ, gái trai, ở vị trí nào cũng quyết tâm cao nhất là tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đã 49 năm kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024). Với những người lính Trường Sơn trực tiếp phục vụ, chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam năm xưa, những ký ức hào hùng về những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ mà hào hùng, niềm vui ngày toàn thắng không bao giờ phai mờ. Những ký ức hào hùng đó luôn là nguồn cổ vũ, động viên họ tiếp tục cống hiến sức mình xây dựng quê hương.
Đại tá Đoàn Thanh Sơn, nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La, giờ đã ngoài 70 tuổi. Năm 1969, ông lúc đó mới 16 tuổi và nhiều thanh niên khác đã viết đơn bằng máu để xin nhập ngũ công an vũ trang Sơn La, rồi được bổ sung về Tiểu đoàn 15, Bộ Tư lệnh công an vũ trang và chi viện cho chiến trường miền nam từ năm 1971-1975 làm nhiệm vụ đặc công, trinh sát, biệt động thành.
Những năm tháng đó, giặc Mỹ liên tục thực hiện các trận oanh kích bằng đủ các loại máy bay để trút bom đạn xuống đường Trường Sơn, nhằm ngăn chặn tuyến chi viện quan trọng cho miền Nam. Ác liệt nhất là vào thời điểm từ 14/4/1975 khi ta đập vỡ tuyến phòng thủ của ngụy quyền ở Tây Nguyên để tạo thế trận chủ động từ Bắc vào Nam, cả miền Nam tổng tấn công.
Mỹ điên cuồng chống trả quyết liệt với các loại khí tài tối tân hiện đại, trút bom như mưa nhằm tiêu diệt quân chi viện của ta. Không nao núng, quân và dân, các binh chủng, cả địa phương, cơ sở của ta nổi dậy như vũ bão để tạo đà cho giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của ông Sơn cũng đã thực hiện tuyệt đối thành công việc đưa các đoàn quân chủ lực vào các vị trí chiến đấu an toàn.
“Riêng năm 1972, quân chủ lực của ta đã chi viện hơn 153.000 quân vào miền Nam. Sức của thì miền Bắc tập trung toàn diện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thế hệ trẻ Việt Nam thời nào cũng vậy, khi Tổ quốc lâm nguy thì phải cầm súng chống ngoại xâm”, Đại tá Đoàn Thanh Sơn cho biết.
Cũng như Đại tá Đoàn Thanh Sơn, ông Phạm Văn Đô, từ thanh niên bưu tá của ty Bưu điện Sơn La đã xung phong nhập ngũ, trở thành người lính vận tải của Binh trạm 14, đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực tiếp phục vụ chiến trường miền Nam.
Những ngày tháng hành quân vượt dãy Trường Sơn tiến về giải phóng Sài Gòn, ông và đồng đội ngày ngụy trang, đêm di chuyển qua làn bom đạn dày đặc, qua những trọng điểm đánh phá B52 của địch, có thời điểm xe ông bị bom bi đánh vỡ kính xe. Khi đó, ông chỉ có suy nghĩ một là sống, hai là chết, quyết tâm xông lên. Ông và đồng đội không ai nao núng, lái xe an toàn, đảm bảo chở lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược tiếp tế cho bộ đội ta.
"Ác liệt nhất là mùa khô các năm 1970- 1974, trên thì bom đạn, dưới thì phỉ cũng rình để tiêu diệt xe. Đại đội của chúng tôi vẫn xác định phải đảm bảo vận chuyển, vượt được mưa bon bão đạn, vượt được các trọng điểm, vượt qua năm tháng gian khổ cho đến khi giải phóng miền Nam”, ông Phạm Văn Đô kể lại.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Chín, nhà giáo đã nghỉ hưu ở Sơn La, cũng là người lính Trường Sơn năm ấy, trong những năm kháng chiến gian khổ là vậy, nhưng không ai thấy sợ hãi. Không phân biệt nam nữ, gái trai, ở vị trí nào cũng quyết tâm cao nhất là tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Chín tốt nghiệp lớp 10 khi mới 16 tuổi đã nhập ngũ vào binh trạm 9, binh đoàn 559 Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Từ làm giao liên, đưa các đơn vị bộ đội vào chiến trường, đón thương binh về trạm chăm sóc, cho tới làm trợ lý tham mưu nhận lệnh và truyền lệnh chiến đấu, dù là nữ nhi, bà vẫn bám trụ, cùng đơn vị tham gia các trận đánh, tiến vào tận sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.
“Khi chúng tôi tiến vào Dinh độc lập, phải băng qua rừng, băng qua núi, đi dưới làn bom như vậy thì phải rất thận trọng, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, sáng tạo, xử lý tình huống bất cứ hoàn cảnh nào. Miễn là có tin báo về khẩn cấp cho các đơn vị chiến đấu tấn công ở mũi nào, chỉ chậm một chút thôi là sẽ bị thất bại ngay”, bà Nguyễn Thị Anh Chín cho biết.
Sau giải phóng miền Nam, những người lính Trường Sơn năm ấy người là cán bộ công an nhân dân, người học tiếp đại học để trở thành giáo viên nhân dân, người làm công tác lái xe cho cơ quan và nghỉ chế độ. Dù ở cương vị công tác nào, họ luôn phát huy tinh thần của người lính Trường Sơn, bộ đội cụ Hồ, giáo dục con cháu, khu dân cư đoàn kết, cùng góp sức xây dựng quê hương.
Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La đã được thành lập từ năm 2016, hiện có 166 hội viên. Ông Dương Xuân Trường, Chủ tịch Hội cho biết, ngoài mục đích giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng, những hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ hội viên ốm đau, hoạn nạn, góp công góp của xây dựng nhà đại đoàn kết cho hội viên nghèo đã và đang được viết tiếp để tri ân nghĩa tình Trường Sơn, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.
“Hội truyền thống Trường Sơn chủ trương tập hợp, đoàn kết, nhất trí và ủng hộ mọi phong trào của địa phương; đồng thời tăng cường hoạt động tình nghĩa với đồng đội, đồng chí và nhân dân địa phương quanh mình”, ông Dương Xuân Trường cho biết.