“Không đối thoại với dân thì không giải quyết được khiếu nại, tố cáo“
VOV.VN - Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, không dám đối thoại với người dân, cũng như đối diện với vụ việc thì không có cách nào giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thời gian qua, việc tiếp công dân không chỉ diễn ra tại trụ sở mà lãnh đạo các cấp phối hợp với thanh tra, các ban ngành đoàn thể địa phương còn tổ chức đối thoại với công dân ngay tại địa phương, qua đó, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo địa phương được xem xét giải quyết.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ tiếp công dân tại trụ sở. |
Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước đã xem xét, giải quyết 522 vụ trong tổng số 528 vụ việc theo kế hoạch, có 392 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý. Với những vụ việc đông người, phức tạp, lãnh đạo các cấp bên cạnh việc tiếp công dân định kỳ còn tổ chức đối thoại ngay tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), việc tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân là một trong biện pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân. Từ đó, tìm ra nút thắt, hướng đến vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân được xem xét thấu đáo. Qua đó, hạn chế công dân khiếu kiện đông người vượt cấp lên Trung ương.
“Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng đối thoại tại địa phương. Tất cả Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra, Chủ tịch hay Bí thư đều tham gia đối thoại vì mục đích phục vụ cho người dân. Nếu sợ dắt dây, không dám đối thoại với người dân địa phương, cũng như đối diện với thực tế vụ việc thì không có cách nào giải quyết tốt hơn, cũng như vận động tuyên truyền cho người dân được”, ông Nguyễn Hồng Điệp nói.
Không có quy chế bảo vệ, ai dám tố cáo tham nhũng?
Tiếp công dân, tăng cường đối thoại ở địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết. Tuy nhiên, để đối thoại hiệu quả thì cần có quy định quy chế rõ ràng, như vậy chính quyền có cơ sở pháp lý để giải quyết, mặt khác công dân thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện của mình, sống và làm việc theo pháp luật.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Chung, thực tế các đoàn công tác đều tiếp xúc, đối thoại nhiều lần với công dân, nên việc đối thoại lần 2 ở cùng cấp là không khả thi và khó đảm bảo được tính nghiêm minh trong thực thi pháp luât.
Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng: “Pháp luật cần đảm bảo tính thống nhất để địa phương giải quyết. Khi quyết định giải quyết đúng rồi, thì thống nhất cho thi hành. Dù giải quyết trước hay sau thì cũng cần như thế. Khi sửa Luật cần có chế tài cứng rắn đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, gây rối mất trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhà nước”.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra xác định, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật và từ cấp cơ sở; coi kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền, của người có thẩm quyền và trách nhiệm.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho rằng ngành Thanh tra cần tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Phấn đấu giải quyết 85% đối với những vụ việc mới phát sinh, tiếp tục đẩy mạnh các vụ việc còn tồn đọng. Đồng thời nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp dân, gắn với việc kiểm tra kết quả các kết quả thực hiện các quyết định khiếu nại, quyết định giải quyết tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”./.