Không xã hội hoá giám định pháp y

Nếu thực hiện giám định  pháp y sai sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín và tính mạng của những người có liên quan đến vụ án.

Sáng 21/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp.

Trong phần thảo luận, đa số đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào việc giữ nguyên cơ quan giám định pháp y trong lực lượng công an tỉnh; xã hội hoá lĩnh vực giám định tư pháp.

Đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) cho rằng: Những năm qua, hoạt động giám định tư pháp được Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, để giảm tải ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này, Chính phủ có thể cho thực hiện xã hội hoá giám định tư pháp trên lĩnh vực: Tài chính, kinh tế, xây dựng, văn hoá. Riêng lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự không nên cho xã hội hoá. Bởi vì những lĩnh vực này nếu thực hiện sai sót sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín và tính mạng của những người có liên quan đến vụ án.

Khi xã hội hoá lĩnh vực tư pháp thì phải tiến hành song song với thường xuyên sát hạch, kiểm tra các tổ chức, cá nhân mở văn phòng giám định.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến: Chưa nên xã hội hoá lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự bởi vì nhiều khi các vụ án cứ kéo dài đợi kết quả giám định. Nếu kết quả giám định mà do tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện thì sẽ có hiện tượng “chạy” kết quả giám định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kết tội, xử phạt đối tượng và nhiều khi ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của những người liên quan đến vụ án. Vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn nếu kết quả giám định bị đem ra mua bán dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

Giữ nguyên giám định pháp y trong công an tỉnh

Đây là ý kiến của đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (đoàn Hoà Bình). Theo lý giải của đại biểu, trong nhiều vụ án xảy ra ở bất cứ đâu, ngày hay đêm, lực lượng công an luôn túc trực, có mặt ngay và đóng góp rất quan trọng vào việc giám định thi thể của vụ án

Đại biểu Đại biểu Bùi Văn Xuyên (đoàn Thái Bình), Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị, không nên bỏ  hẳn giám định pháp y của lực lượng công an tỉnh vì lực lượng này hoạt động tốt. Hoạt động giám định của lực lượng công an nên phối hợp với cơ quan y tế để thẩm định những kết quả giám định thi thể vụ án.

Giám định viên là lực lượng công an cũng được đào tạo bài bản và có chuyên môn trong công tác phòng chống tội phạm, sẵn sàng chiến đấu ở mọi lúc, mọi nơi, thời điểm bất kỳ. Trong thời gian qua, lực lượng giám định viên trong lực lượng công an đã phát huy tốt chức năng giám định, đưa ra những chứng cứ quan trọng của nhiều vụ án hình sự. Do đó, cần giữ lại và phát huy chức năng quan trọng của cơ quan giám định pháp y từ lực lượng công an- đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đề xuất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên