Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi giáo dục truyền thống hữu nghị Việt - Lào

VOV.VN - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiengvang, huyện Noongbok, tỉnh Khammuane là công trình hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam – Lào nhằm ghi dấu sự hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, Khu lưu niệm không chỉ là biểu tượng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống đoàn kết hữu nghị Việt – Lào cho thế hệ trẻ hai nước.

Nằm bên cạnh dòng sông Mekong thơ mộng, hiền hoà, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí được biết đến là nơi Bác Hồ từng hoạt động cách mạng hơn 90 năm về trước. Theo lời các cụ cao niên ở đây kể lại: trong khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan (1928), Bác Hồ đã nhiều lần đi đò qua sông Mekong sang tỉnh Khammuane của Lào để gặp gỡ, nói chuyện với bà con người Việt và người Lào sống tại bản Xiengvang.

Là thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở bản Xiengvang, chị Lê Thị Hà cho biết, ông bà, cha mẹ thường nhắc nhở con cháu trong gia đình phải giữ gìn nét đẹp văn hóa, tiếng nói, bản sắc dân tộc Việt.

Chị Hà kể, vào những ngày lễ, tết người dân từ già đến trẻ thường đến Khu di tích, trước là để dâng hương lên bàn thờ Bác, sau là kể cho nhau nghe những câu chuyện về công lao, đức tính giản dị, hiền hòa và yêu thương đồng bào của Người.

"Vào những dịp sinh nhật Bác Hồ, ngày Quốc khánh Việt Nam, là ngày mà người dân chúng tôi cả Lào và Việt Nam cùng nhau lên Khu lưu niệm Bác Hồ thắp hương. Người già, bố mẹ, ông bà kể cho con cháu nghe Bác đến đây và dặn làm như thế nào, dạy con, dạy cháu ăn ở có tình cảm, cùng nhau làm việc"

Bản Xiengvang có 157 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, trong đó có nhiều thế hệ mang trong mình hai dòng máu Lào – Việt. Bà con người Việt ở đây sống chan hoà, đoàn kết và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, từ việc xây dựng văn phòng đến trường học, đường sá,... Từ năm 1995, người Việt ở bản Xiengvang đã có quốc tịch Lào.

Ông Outhon Thavinolachak, Phó Chủ tịch huyện Noongbok cho biết, Khu lưu niệm đã trở thành địa chỉ quen thuộc để người Việt và người Lào thường xuyên thăm viếng, bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác Hồ - người bạn lớn của đất nước và nhân dân Lào.

Vì vậy, hàng tháng, chính quyền đều vận động bà con trong bản đến vệ sinh Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận động cả thanh niên, các đoàn hội tham gia để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc Lào - Việt. Ngoài ra, còn sát sao chỉ đạo để khơi dậy tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

"Người đã khuyên dạy phải đoàn kết giúp đỡ nhau để giải phóng hai đất nước thoát khỏi ách nô lệ, khơi dậy tinh thần yêu nước, tình đoàn kết trong nhân dân. Ngày nay, Hội người Việt Nam tại đây vẫn kế thừa truyền thống đó và dạy dỗ con cháu. Chính quyền địa phương cũng  giáo dục truyền thống đó cho các em học sinh cấp 1, cấp 2 và đang đề xuất đưa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane vào nội dung giảng dạy" - ông Outhon Thavinolachak, Phó Chủ tịch huyện Noongbok cho biết.

Để bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận những công lao to lớn của Người, Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đã đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khuôn viên có diện tích hơn 1,5 héc-ta, gồm nhiều hạng mục như nhà trưng bày tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ, khuôn viên cây cảnh, ao cá…

Trong đó, nổi bật là Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng theo lối kiến trúc nhà thờ cổ hai tầng mái đao, dán ngói; bậc cấp, lan can, sân được trang trí hoa văn đơn giản những vẫn toát lên sự uy nghiêm. Bên trong nhà thờ, ngay chính giữa nơi trang trọng nhất là bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng, nơi cao nhất treo bức hoành phi, hai bên là câu đối.

Ông Phaymany Phommasan, Phó Chánh văn phòng tỉnh Khammuane, Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Khu lưu niệm còn trưng bày với nhiều hình ảnh tư liệu, sách, báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; hình ảnh những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao 2 nước qua các thời kỳ.

"Ban quản lý luôn cố gắng phát huy tốt vai trò, giá trị của Khu lưu niệm để trở thành một địa điểm được biết đến một cách rộng rãi. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan tìm hiểu cho cán bộ, học sinh, sinh viên và cả du khách trong và ngoài nước về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh" - ông Phaymany Phommasan nói.

Ngày nay, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết Lào – Việt, mà còn là một địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ con cháu biết trân trọng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung son sắt giữa hai dân tộc, hai đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã dày công vun đắp.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn tượng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào
Ấn tượng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào

VOV.VN - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào không chỉ là nơi gắn kết tình đoàn kết Việt – Lào, mà còn là nơi gìn giữ bản sắc văn hoá của cộng đồng người Việt tại Lào.

Ấn tượng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào

Ấn tượng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào

VOV.VN - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào không chỉ là nơi gắn kết tình đoàn kết Việt – Lào, mà còn là nơi gìn giữ bản sắc văn hoá của cộng đồng người Việt tại Lào.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi gắn kết tình đoàn kết Việt-Lào
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi gắn kết tình đoàn kết Việt-Lào

VOV.VN - Đến với Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang là thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng và tình cảm của người dân Lào dành cho Người.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi gắn kết tình đoàn kết Việt-Lào

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi gắn kết tình đoàn kết Việt-Lào

VOV.VN - Đến với Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang là thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng và tình cảm của người dân Lào dành cho Người.