Kiến nghị có cơ chế đặc thù xử lý vi phạm trong giai đoạn cấp bách phòng chống dịch

VOV.VN - Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế đặc thù với việc xử lý những vi phạm khi thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19.

Tại họp báo kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, phóng viên có đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quan điểm của mình đối với nhận định của Ủy ban Xã hội có nêu rằng "chúng ta đang xử lý các biện pháp trong tình huống cấp bách đặc thù bằng những quy định bình thường, điều này gây hoang mang cho cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo y tế". 

Cụ thể, trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/10 để cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 30 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội có nhận định "quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý. Điều này gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và công tác thanh quyết toán của các cơ quan ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này".

Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế đặc thù với việc xử lý những vi phạm khi thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Song song với đó, là tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bởi, theo Ủy ban Xã hội, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống dịch vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng...

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, đảm bảo quyền lợi với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ủy ban Xã hội cũng đặc biệt nhấn mạnh cần nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế; sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Chia sẻ rõ hơn về nhận định này của Ủy ban Xã hội, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, đây là việc xuất phát từ thực tiễn khi Ủy ban Xã hội đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 tại các địa phương, thấy rằng tâm tư nguyện vọng của những người tham gia trực tiếp chống dịch đã cho thấy trong hoàn cảnh chống dịch như chống giặc, tình huống rất cấp bách thì những việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi về thời gian, do đó một số việc trong quá trình thực hiện sẽ không theo đúng các quy định của pháp luật. Bởi nếu theo đúng quy định sẽ mất rất nhiều thời gian ví dụ như việc mua sắm các trang thiết bị, thuốc men... trong khi đây là những thứ cần thiết phải có ngay để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chống dịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, dịch COVID-19 là vấn đề chưa từng có tiền lệ, do đó, các cơ quan chức năng đều nhận thức được vấn đề cần có quy định để bảo vệ người có liên quan, nhưng trong khi đó chúng ta cũng chưa làm kịp các quy định cho phù hợp với thực tiễn.

"Chính vì vậy đó là cơ sở để Ủy ban Xã hội kiến nghị xem xét trong vấn đề xử lý vi phạm phải đánh giá được đúng bản chất, đúng hoàn cảnh và những người thực thi nhiệm vụ của mình thực hiện trong giai đoạn đó, trong đó quan trọng nhất là đánh giá không có mục đích cá nhân để ứng xử với những người làm những việc không đúng quy định pháp luật, để động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch, đồng thời có giải pháp để sau này có đợt dịch tiếp theo những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều này cũng đúng với tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc có lợi cho dân thì phải hết sức làm", ông Nguyễn Hoàng Mai nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ có tổng kết, tuy nhiên theo Ủy ban Xã hội, tổng kết này phải sâu sắc hơn nữa, có nhiều thông tin, nhiều số liệu liên quan, đặc biệt các kiến nghị phải có giải trình rất chặt chẽ. "Chính vì vậy, UBTV QH đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết để trình ra kỳ họp tiếp theo, có thể là kỳ họp bất thường cuối năm, lúc đó UBTVQH sẽ cho ý kiến chính thức về đề xuất đã được đưa ra", ông Mai cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Có tâm lý lo ngại, sợ sai ảnh hưởng đến phòng chống dịch"
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Có tâm lý lo ngại, sợ sai ảnh hưởng đến phòng chống dịch"

VOV.VN - "Có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch".

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Có tâm lý lo ngại, sợ sai ảnh hưởng đến phòng chống dịch"

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Có tâm lý lo ngại, sợ sai ảnh hưởng đến phòng chống dịch"

VOV.VN - "Có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch".