Kiên quyết không để “mọc” thêm những Vũ “nhôm” khác
VOV.VN-Nếu như cán bộ bị vật chất, tham vọng cám dỗ; tay đã trót nhúng chàm mà không dũng cảm gột rửa, nguy cơ mọc lên những Vũ ‘nhôm' khác là điều khó tránh.
Sau 14 ngày trốn chạy, Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” đã bị bắt. Lưới trời lồng lộng, những kẻ như Vũ “nhôm” và những người đã và đang còn lẩn khuất trong bóng tối rốt cuộc sẽ phải lộ diện; những câu hỏi xoay quanh con người dám cho mình cái quyền đứng trên luật pháp ấy rồi sẽ được làm sáng tỏ.
Phan Văn Anh Vũ khi chưa bị khởi tố. |
Râm ran là thế, xì xào là thế, bức xúc là thế. Nhưng, như có một thế lực vô hình che đỡ, Vũ “nhôm” chả hề hấn gì, thậm chí còn huênh hoang, dám tuyên bố cho một lãnh đạo thành phố “nghỉ việc” khi không được tham gia vào một dự án.
Chỉ đến khi cử tri Đà Nẵng, các cán bộ lão thành kiên quyết yêu cầu làm rõ những câu chuyện về con người này; chỉ đến khi lãnh đạo cao nhất của thành phố bị xử lý kỷ luật vì có những hành vi vi phạm Điều lệ Đảng, tư cách của đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu, thì Vũ “nhôm” mới bị “sờ” tới.
Cái gì đã khiến Vũ “nhôm” có thể thao túng, khống chế, chi phối được cả hệ thống chính trị của một địa phương? Vũ “nhôm” đã làm như thế nào để gây sức ép, chiếm giữ hầu hết những khu đất đai ở vị trí “vàng” đang thuộc quyền sở hữu của Nhà nước biến thành của mình? Vũ “nhôm” dựa vào cái gì mà dám công khai dùng “bàn tay che cả bầu trời”?
Vì sao những câu chuyện về Vũ “nhôm” đã rõ ràng thế, thách thức dư luận, thách thức pháp luật thế mà không bị xem xét, xử lý? Vì sao Vũ “nhôm” có khả năng ẩn mình, kể cả khi bị cơ quan pháp luật bất ngờ khám xét nơi ở? Chắc chắn chỉ có những cái bắt tay, những đồng tiền “lợi ích nhóm” mới có sức mạnh khủng khiếp, thao túng kinh tế, thao túng cả chính quyền; mới tạo ra siêu quyền lực để lấn át quyền lực, chi phối quyền lực.
Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phát lệnh truy nã, kiên quyết làm rõ những vấn đề liên quan đến “mafia” Đà Nẵng – Phan Văn Anh Vũ là sự tiếp nối trong quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Rồi những vấn đề liên quan đến Vũ “nhôm” sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng rõ ràng, đây là bài học đắt giá trong mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp; là bài học đau lòng trong công tác cán bộ; là bài học của việc gìn giữ, củng cố niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bởi kéo theo Vũ “nhôm” sẽ là hàng loạt sai phạm khác; là sự lộ diện của những thế lực tay đã nhúng chàm nhưng đang còn giấu mình trong bóng tối.
Một điều rất hiển nhiên là, nếu như chính quyền luôn vì lợi ích chung; nếu như cán bộ liêm chính, công tâm thì một, hay nhiều Vũ ‘nhôm” cũng không thể sai khiến được chính quyền, sai khiến được cán bộ; không thể làm lung lay, đổ vỡ lòng tin của người dân vào chính quyền và đội ngũ cán bộ của Đảng. Nhưng không ai dám đoán chắc, một hay nhiều Vũ “nhôm” không làm “hư” được chính quyền. Vì thế, việc cần, là làm sao không để nảy nở ra những Vũ “nhôm” khác.
Muốn vậy, Đảng phải luôn chỉnh đốn, cùng với các tổ chức đoàn thể và người dân quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; giám sát quyền lực một cách hiệu quả. Khi có những phản ánh từ phía dư luận xã hội phải xem xét, giải quyết công khai, dứt điểm và xử lý nghiêm minh những sai phạm, đúng Điều lệ Đảng và thượng tôn pháp luật.
Nếu như cán bộ bị vật chất, tham vọng cám dỗ; nếu như tay đã trót nhúng chàm mà không dũng cảm gột rửa; nếu như một bộ phận cán bộ của Đảng như những người bệnh nhờn thuốc, để lâu ngày càng nguy hại đến sức khỏe, ngày càng lún sâu vào những sai lầm nghiêm trọng thì nguy cơ đi vào vết xe đổ, nguy cơ mọc lên những Vũ ‘nhôm” khác là điều khó tránh khỏi./.
Từ vụ Phan Văn Anh Vũ trốn ra nước ngoài: Lỗ hổng ở đâu?