Anh ồ ạt viện trợ các loại pháo cho Ukraine đối phó Nga
VOV.VN - Cùng với Mỹ, Anh rất nhiệt tình viện trợ vũ khí, trong đó các loại pháo, cho Ukraine để giúp quân đội nước này đối phó với Nga trên chiến trường. Ngoài pháo, Anh còn chuẩn bị cung cấp cả xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger-2.
Theo các thông tin mới đây, Anh sẽ gửi 30 khẩu pháo tự hành AS90 155mm cho Ukraine. Đây sẽ là loại pháo thứ 5 được gửi cho Ukraine sau khi nước này nhận lựu pháo hạng nhẹ M777 của Mỹ, pháo tự hành Caesar 155mm của Pháp, pháo tự hành 155mm AHS KRAB của Ba Lan, và pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH) 2000 của Đức.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng hệ thống AS90 do có lớp giáp mỏng nên ít khả năng chịu đựng được các đòn tấn công bằng UAV cảm tử của Nga.
Thủ tướng Anh Sunak cũng đã xác nhận số lượng xe tăng Challenger-2 viện trợ cho Nga là 14 chiếc.
Ngoài ra, theo tờ Mirror, Bộ Quốc phòng Anh đã phê chuẩn gửi 4 trực thăng tấn công Apache cho Ukraine - tuy nhiên thông tin này về sau đã bị Bộ này bác bỏ.
Ưu tiên vũ trang cho Ukraine
Năm 2020, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố họ đang tìm kiếm thay thế các hệ thống AS90, bao gồm 179 cỗ pháo ban đầu được chế tạo riêng cho lục quân Anh. Số lượng pháo loại này của Anh giảm xuống còn 134 trong năm 2008 và 117 trong năm 2015 mà không hề có thông tin về nâng cấp hay thay thế. Hồi năm 2008 và 2009, hệ thống điện tử của AS90 được nâng cấp trong chương trình nâng cao năng lực.
Theo Tạp chí Quốc phòng Anh, Anh chỉ còn lại 117 khẩu AS90. Như vậy, 20 hệ thống pháo gửi cho Ukraine sẽ chiếm khoảng 25% kho vũ khí loại này của Anh. Pháo được sản xuất vào cuối thập niên 1980.
Kíp vận hành pháo AS90 gồm 6 người. Pháo có một nòng cỡ 155mm có khả năng bắn nhiều loại đạn pháo khác nhau., đặc biệt là đạn M982 Excalibur - đây là loại đạn tầm bắn mở rộng, được dẫn đường chính xác do Mỹ sản xuất. Đạn M982 Excalibur sử sụng định vị GPS để đánh trúng các mục tiêu ở cự ly lên tới 40km.
Hệ thống này chứa 40 quả đạn đặt trong tháp pháo, trong đó 31 quả đạn nằm sẵn trong 4 module hộp tiếp đạn.
Hiện phương Tây lo ngại về khả năng các hệ thống này sẽ bị Nga phá hủy hoặc sẽ bị hỏng hóc thường xuyên do sử dụng quá nhiều, như cỗ pháo PzH-2000.
Hiện một số chuyên gia phân vân liệu vũ khí này có giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường và cản bước tiến của quân Nga hay không.
Anh đi đầu trong cung cấp vũ khí cho Ukraine
Một tuyên bố trên website chính của chính phủ Anh vạch ra lý do ngoại giao và quân sự đằng sau hoạt động chuyển giao pháo AS90 và xe tăng Challenger-2.
Theo đó, giới chức an ninh quốc phòng Anh tin rằng đã đến lúc tăng cường hỗ trợ Ukraine do Nga đang gặp khó khăn về tiếp tế và tinh thần chiến đấu.
Về 30 khẩu pháo AS90 và 14 xe tăng Challenger-2, tuyên bố nói thêm rằng Anh sẽ “bắt đầu huấn luyện không quân Ukraine sử dụng xe tăng và các khẩu pháo này trong các ngày tới như một phần trong nỗ lực lớn hơn của Anh, bao gồm việc huấn luyện hàng ngàn binh sĩ Anh trên lãnh thổ Anh trong 6 tháng qua”.
Tuyên bố cũng nêu rằng Bộ Quốc phòng Anh sẽ thăm Estonia và Đức để “làm việc với các đồng minh NATO và các đối tác quốc tế khác”.
Đồng thời, Ngoại trưởng Anh sẽ tới Mỹ và Canada để “thảo luận sự phối hợp sát sao hơn nữa trong các lệnh trừng phạt quốc tế”.
Việc Anh công bố các động thái ngoại giao nói trên và nói cụ thể con số xe tăng Challenger-2 (14 chiếc) có vẻ là nhằm gia tăng áp lực lên Đức để nước này cung cấp xe tăng Leopard-2 cho Ukraine.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 của Đức được khoảng 13 nước châu Âu sử dụng. Cần có sự đồng ý của Đức thì xe này mới được bán lại hoặc chuyển giao. Hiện giới lãnh đạo Đức chưa có tuyên bố chính thức, rõ ràng về việc này.
Xe tăng Leopard-2 được ca ngợi là có khả năng đương đầu với thiết giáp Nga gồm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 và T-90M. Riêng T-90M được xem là xe tăng hiện đại thứ nhì của Nga chỉ sau T-14 Armata.
Việc Anh chính thức thừa nhận chuyện họ huấn luyện binh sĩ Ukraine đã củng cố luận điểm của Tổng thống Putin cho rằng Nga đang chiến đấu với “phương Tây tập thể”, chứ không phải chỉ mình Ukraine, ám chỉ nước ông là nạn nhân của tình trạng bị phương Tây o ép về quân sự và chiến lược.
Nga cũng khẳng định rằng các chuyên gia quân sự phương Tây (đặc biệt là Mỹ và Anh) đã hiện diện không chính thức trên thực địa, huấn luyện cho quân đội Ukraine kể từ đầu xung đột Nga - Ukraine.
Sau khi hải quân Nga bị tấn công ở Sevastopol (Crimea) vào cuối tháng 10/2022, Nga đã tố cáo các chuyên gia quân sự Anh đã huấn luyện Trung tâm tác chiến đặc biệt thủy quân lục chiến số 73 của Ukraine ở Ochakov, Mykolaiv.
Trước đó, Anh đã cung cấp cho Ukraine hàng ngàn tên lửa chống tăng NLAW - số tên lửa này đã gây tổn thất đáng kể cho xe thiết giáp Nga trong thời kỳ đầu của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine./.