Ký ức hào hùng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
VOV.VN - Thắng lợi hào hùng trong Tết Mậu Thân 1968 là câu chuyện sống mãi trong lòng những người trong cuộc.
Ngày 29/12, sau gần 50 năm diễn ra chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, những nhân chứng lịch sử, các biệt động Sài Gòn… đã cùng tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”. Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo.
Trong ký ức của nhiều người, Tết Mậu Thân 1968 là cái Tết đáng nhớ và vui nhất trong đời chiến đấu. Năm đó, ở vùng giải phóng, các cơ quan đơn vị chiến đấu tập trung ăn Tết cùng nhau rất sôi nổi và ấm tình đồng bào. Được nhân dân ủng hộ và góp sức, có gì ăn nấy, các đơn vị biệt động, bộ đội tập trung vừa hân hoan, vừa cảnh giác. Đến giờ giao thừa, cùng nghe Bác Hồ chúc Tết xong và cấp trên chỉ đạo, mỗi người một nhiệm vụ, sẵn sàng nghe mệnh lệnh, chấp nhận hy sinh gian khổ để quyết tâm chiến đấu với quân thù.
Bà Vũ Minh Nghĩa, bí danh Chính Nghĩa, ở Đội 5 - Biệt động Sài Gòn tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 nhớ lại: “Khi sa vào tay giặc, ý chí căm thù thì dù có hy sinh, bị bắt nhưng vẫn giữ khí tiết để bảo vệ cơ sở của mình. Tuy thất bại như thế nhưng cũng rút kinh nghiệm để Đảng ta rút kinh nghiệm hơn, để đánh Mỹ và các nước chư hầu biết rằng không phải là không có lực lượng để chống lại họ”.
Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành sự kiện gây chấn động lớn trên thế giới về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có ý nghĩa rất lớn lao về mặt ngoại giao. Nếu không có sự kiện Tết Mậu Thân 1968, chưa chắc Mỹ đã chịu ngồi vào đàm phán ở Hội nghị Paris... Đây là một thắng lợi rất lớn trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất đất nước của quân và dân ta, là tiền đề để từng bước thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ trước khi chiến dịch diễn ra là “Đánh cho Mỹ cút - Đánh cho ngụy nhào”.
Đại tướng Phạm Văn Trà cho rằng, chỉ có ở trong cuộc mới nhận thấy được vai trò của chiến dịch này đối với cục diện chiến tranh, là cách đánh địch hiệu quả với ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận. Cuộc Tổng tiến công diễn ra trong hơn 300 ngày đêm là một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo điều kiện để quân dân ta thực hiện tiến trình vĩ đại giải phóng hoàn toàn Tổ quốc khỏi ách ngoại xâm.
“Dân ta và bộ đội ta hy sinh rất nhiều, nhưng sự tổn thất này cần thiết để giành thắng lợi, như Bác Hồ nói, dù có đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do. Chúng ta có trận đánh quyết định này buộc Mỹ phải chấp nhận Hiệp định Paris, chấp nhận cả 4 bên là: Mỹ, miền Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam với Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam” - Đại tướng Phạm Văn Trà nói.
50 năm đã trôi qua, chúng ta đã có thêm những đánh giá đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa của thắng lợi lịch sử của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968; đồng thời, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 luôn là trang sử, hào hùng, ngời sáng của dân tộc Việt Nam./.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định