Ký ức hào hùng về ngày đầu giành độc lập 71 năm trước
VOV.VN - Đối với mỗi người dân Việt Nam, những ngày mùa thu năm 1945 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, hào hùng.
Đặc biệt, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã in sâu vào tâm trí mỗi người con đất Việt.
Nhân dân nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) |
Trong câu chuyện của ông Lê Đức Vân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội như sống lại một Thủ đô với khí thế hào hùng, sôi nổi của một dân tộc vừa giành độc lập. Ngày ấy, từ khi mới tờ mờ sáng, người dân từ khắp nơi đã hồ hởi hướng về Quảng trường Ba Đình. Trên tay mỗi người đều cầm một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ, khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc, như đi trẩy hội và thực sự đó là ngày hội lớn nhất của toàn dân tộc.
Ông Lê Đức Vân nhớ lại: “Ngày 2/9, cả Hà Nội tưng bừng, mọi người làm cổng chào, may cờ, có nhà may 3 cái cờ, rồi học hát bài Tiến quân ca, Diệt phát xít, với không khí phấn khởi, tưng bừng đón mừng độc lập. Hôm đó cũng là lần đầu tiên nhiều người mới được biết đến Cụ Hồ.
Với những người được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong ngày độc lập đầu tiên ấy lại càng vinh dự lớn lao. Ông Nguyễn Quang Phòng, nguyên là chiến sĩ công an của Ty liêm phóng ở Hà Nội, cho biết: Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc bộ vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ buổi lễ tại Ba Đình, bảo vệ an ninh trật tự cuộc mít tinh, chống mọi hoạt động phá hoại của kẻ thù. Các chiến sĩ cảnh sát có trang bị vũ khí đứng thành hàng rào hai bên đường, từ nơi xuất phát của lãnh tụ và các thành viên Chính phủ đến lễ đài. Lực lượng trinh sát bí mật hóa trang trong dòng người dự mít tinh để phát hiện những hiện tượng nghi vấn, sẵn sàng ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát được bố trí bảo vệ công khai các khối quần chúng, giữ gìn trật tự trong hàng ngũ những người dự mít tinh. Một số người được lựa chọn mặc trang phục, có súng ngắn hoặc súng trường để làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh lễ đài.
Ông Nguyễn Quang Phòng nhớ lại: “Ngày 2/9, lúc bấy giờ việc lập kỳ đài ở Ba Đình được giao cho ông Nguyễn Hữu Đang, kiến trúc sư là Ngô Hữu Quỳnh. Lúc đó, anh em được nhận nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh, bảo vệ đoàn xe đưa Bác Hồ lên lễ đài, chưa có trang phục, nên anh em toàn mặc quần soọc, áo sơ mi đi xe đạp hộ tống ô tô của Bác Hồ lên lễ đài”.
Bà Lê Thi |
“Tôi đi lên lễ đài vừa đi vừa lo vì không được chuẩn bị trước. Gần đến lễ đài, tôi gặp một chị phụ nữ, hai chị em cùng dắt nhau lên. Khi bài hát Tiến quân ca nổi lên, chúng tôi từ từ kéo lá cờ, cho đến khi kết thúc bài hát thì lá cờ đã tung bay phấp phới. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ”, bà Lê Thi nhớ lại.
Những ngày tháng này, mỗi người con đất Việt lại được sống lại trong không khí mùa thu độc lập. Niềm vui những ngày đầu của một đất nước độc lập là niềm vui của một dân tộc anh hùng đã đánh đuổi được chế độ thực dân từng cai trị đất nước trong hơn 80 năm và đánh đuổi được quân phát xít Nhật ra khỏi đất nước; đập tan ngai vàng phong kiến đã ngự trị ngót 10 thế kỷ. Đó là bầu không khí trong lành của một nước Việt Nam độc lập và tự do./.