Ký ức những lần gặp Bác Hồ của cặp vợ chồng lão thành Cách mạng

VOV.VN - Ông bà có cơ hội được nhiều lần gặp Bác Hồ, được chứng kiến và cảm nhận sự giản dị, tình cảm và sự quan tâm của Người.

Tham gia cách mạng từ sớm, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và thành phố Hải Phòng... đó chưa phải là tất cả "tài sản" ông Nguyễn Văn Luyện và bà Trần Thị Mận (hiện sống tại quận Lê Chân, Hải Phòng) để lại cho con cháu và thế hệ sau. Ông bà là cặp vợ chồng đặc biệt, may mắn có cơ hội được nhiều lần gặp Bác Hồ, được chứng kiến và cảm nhận sự giản dị, tình cảm và sự quan tâm của Người.

Ông Nguyễn Văn Luyện và bà Trần Thị Mận ôn lại ký ức về những lần được gặp Bác Hồ.

Ông Nguyễn Văn Luyện may mắn được gặp Bác Hồ không chỉ một lần. Lần đầu tiên là vào thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945, khi đó, ông là công nhân nhà máy bưu điện, tham gia tự vệ thành Hoàng Diệu và có mặt dưới kỳ đài khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc Lập” tại Quảng trường Ba Đình. Hình ảnh Bác giản dị trong bộ kaki trắng cùng giọng nói trầm ấm, câu hỏi thân tình "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" đã in sâu trong tâm trí của chàng thanh niên tự vệ thành Hoàng Diệu.

Năm 1946, anh công nhân bưu điện Nguyễn Văn Luyện vinh dự được cơ quan cử đến sửa điện thoại trong phòng làm việc của Bác ở Phủ Chủ tịch và được nhìn thấy Bác đang tiếp khách trong một căn phòng nhỏ, giản dị. Lần thứ ba, lần thứ tư, ông Nguyễn Văn Luyện được gặp Bác Hồ là khi đang công tác tại Đại đoàn 320, đóng quân ở tỉnh Hải Dương. Nhưng lần được tiếp xúc với Bác Hồ lâu nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất với ông là ngày 23/1/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch XHCN Tiệp Khắc Novotni đến thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng.

Khi Bác đến bệnh viện, công nhân viên ra đón Bác. Người vào hội trường và hỏi: "Các cô, các chú ở đây, có cô chú nào là anh nuôi, chị nuôi không?". Giám đốc "ngớ" ra, vì ai lại mời cấp dưỡng lên đón Bác, chỉ có các bác sĩ, trưởng khoa. Bác mới nói luôn, ý là trong ngành y tế, các công nhân viên, không cứ gì là bác sĩ, y tá, mà những người phục vụ người bệnh, phục vụ bệnh viện đều hữu ích cả.

Bác Hồ cùng Chủ tịch nước CHXH Tiệp Khắc thăm BV Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng ngày 23/1/1963.

"Bác ngồi nói chuyện rất thân mật, giản dị. Bác dặn: Thầy thuốc phải như mẹ hiền, phải kết hợp Đông - Tây y, phòng bệnh hơn chữa bệnh, phải đoàn kết" - ông Nguyễn Văn Luyện kể lại.

Tuổi đã cao, khi quên khi nhớ, nhưng ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ông Nguyễn Văn Luyện không hề phai nhạt mà luôn tươi mới như ngày hôm qua.

Bà Trần Thị Mận từng làm việc tại Cơ quan giao tế đối ngoại nên mỗi lần Bác và các đoàn khách nước ngoài về thăm Hải Phòng, bà đều được chọn tham gia bộ phận lễ tân phục vụ.

Năm 1960, bà Trần Thị Mận may mắn được phục vụ Bác cùng các đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ 3. Bà vẫn nhớ như in khoảnh khắc được cùng anh chị em phục vụ chụp ảnh với Bác và các đại biểu. Bức ảnh đó là gia tài vô giá mà bà nâng niu, gìn giữ đến tận bây giờ. Những lời căn dặn của Bác là động lực để cô gái trẻ Trần Thị Mận phấn đấu để được giao đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Công ty Cung ứng tàu biển Hải Phòng.

"Có những lần vui lắm, thấy tự hào lắm, được gặp, được gần, được nghe lời vị lãnh tụ của đất nước mình, không những đất nước mình mà cả thế giới đều kính trọng. Mỗi lần được gặp Bác đều thấy tự hào, phấn khởi; phấn khởi thì làm công việc tốt hơn, từ đó cứ nhân lên thành tích này, thành tích kia" - bà Mận chia sẻ.

Bức ảnh chụp cùng Bác Hồ được bà Trần Thị Mận giữ gìn và coi đó là tài sản quý giá.

Từ lần đầu tiên nhìn thấy Bác, được nghe giọng nói của Bác, ông Nguyễn Văn Luyện còn là anh công nhân bưu điện, đến năm 1963, được gặp Bác khi Người về thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, ông Luyện đã là Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Hải Phòng. Những lời Bác căn dặn được ông Nguyễn Văn Luyện khắc ghi.

Ông kể, bệnh viện phát động thi đua với bệnh viện Vân Đình, thực hiện lời căn dặn của Bác "thầy thuốc như mẹ hiền", phục vụ người bệnh vô điều kiện. Sau này, học tập, thực hiện lời Bác dạy, năm 1972, chiến tranh phá hoại, B52 ném bom Hải Phòng, Bệnh viện Việt Tiệp phục vụ rất xuất sắc, được nhiều Huân chương. Năm 1974, được tặng lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cho đơn vị thi đua xuất sắc toàn quốc, cũng là mang tinh thần học tập lời Bác đã huấn thị năm 1963. Đến năm 1976, BV Việt Tiệp được công nhận là lá cờ đầu ngành điều trị trong cả nước, 4 năm liền, cũng là học tập lời Bác dặn" - ông Luyện cho biết.

Ông Nguyễn Văn Luyện năm nay đã 90 năm tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng; bà Trần Thị Mận cũng đã ngoài 80 tuổi và gần 60 năm tuổi Đảng. Ông bà sống giản dị, bao dung, chan hòa cùng con cháu, bà con khu phố; hàng ngày, ông bà vẫn lên mạng đọc báo, nghe tin tức, tham gia câu lạc bộ Bạch Đằng, tổ chức lớp học vi tính cho người cao tuổi.

Với ông Nguyễn Văn Luyện và bà Trần Thị Mận, khắc ghi lời dạy của Bác không chỉ trong công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn là học tập lối sống, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành tấm gương cho con cháu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên