"Làm được 60% Nghị quyết Trung ương 4 đã là tốt lắm rồi!"
VOV Online phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Nghị quyết Trung ương 4
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều vấn đề phải có sự quyết tâm cao của Đảng thì mới có thể thực hiện có hiệu quả…
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam(ảnh: Hoà An) |
Đảng đã thể hiện bản lĩnh
PV: Ông có nhận xét như thế nào về các nội dung nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nghị quyết Trung ương 4 vừa mới ra nêu về việc củng cố, chỉnh đốn Đảng. Tôi thấy nội dung Nghị quyết nêu ra khá đầy đủ, và có sức thuyết phục, bởi đã làm rõ những vấn đề mà Đảng ta phải quan tâm.
Nghị quyết nêu nội dung khá đầy đủ, từ nội dung, những nguyên nhân, mục tiêu cần phải giải quyết, các bước cần phải triển khai… Với góc độ là người từng có trách nhiệm tham gia các công việc của Đảng, tôi thấy rất yên tâm.
Nếu chúng ta làm tốt được việc đó thì nhân dân, cán bộ Đảng viên, đặc biệt là các cán bộ về hưu mừng lắm. Tôi thấy rằng, Trung ương nêu ra được như vậy đúng vào dịp 82 năm ngày thành lập Đảng, có thể nói Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến của mình, tự phê bình những yếu kém trong lúc làm được rất nhiều việc tốt, đó là rất thẳng thắn. Tôi đánh giá điều này là rất tốt. Còn việc bổ sung, nói gì cũng chỉ là nói thêm, chứ không thể thay thế những nội dung cơ bản đó được.
Tôi chỉ ước mong làm sao toàn Đảng thực hiện ý định của Trung ương, làm sao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, đừng để như Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 trước đây.
PV: Ông có so sánh gì về bối cảnh ra đời của Nghị quyết lần này với Nghị quyết Trung ương 6 lần 2?
Ông Phạm Thế Duyệt: Có chứ. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu nói đến Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, tôi càng nghĩ đến Bác Hồ. Bác của chúng ta vĩ đại đến mức trước lúc ra đi, vẫn để lại di chúc dặn toàn Đảng, toàn dân, làm cho được việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững vàng sự lãnh đạo của Đảng, cho thật xứng đáng với Đảng của dân, do dân, vì dân, đội tiền phong của giai cấp công nhân, đội tiền phong của đất nước.
So sánh, nghĩ lại Di chúc của Bác, tôi càng cảm thấy thấm thía. Nghĩ đến Trung ương 6 lần 2, tuy ở những thời điểm khác nhau, nhưng vấn đề nêu ra có một ý nghĩa rất sâu sắc.
Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 năm 1999, lúc bấy giờ cũng đã là hơn sau 10 năm đổi mới, những vấn đề nêu ra đã chỉ rõ bộc lộ 4 nguy cơ. Nhất là nguy cơ tự diễn biến khá rõ. Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 đề cập đến cũng khá sâu sắc.
Lúc đó, chúng tôi là người có trách nhiệm nghĩ rằng mình phải quyết tâm. Nhiều những điều nói trước hội nghị, nói trước tập thể, phải truyền đạt, chúng tôi cảm thấy như lời thề trước Đảng, trước dân là phải làm cho được.
Và vấn đề nêu ra ở Hội nghị Trung ương 6 lần 2 nếu so sánh thì nội dung có nhiều điểm rất trùng khớp với Trung ương 4 này. Bước đi, cách làm, có lẽ lần này đã tiếp thu và thể hiện được những ý kiến mà Nghị quyết trước đã nêu.
Tôi thấy chỉ khác nhau về thời điểm, còn nội dung có khá nhiều điểm giống nhau. Cái đích cuối cùng là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, làm cho Đảng ta xứng đáng với vai trò Đảng lãnh đạo.
Trong suốt quá trình cách mạng, nhân dân đã tin tưởng, thì trong công cuộc đổi mới này, phải tiếp tục giành được sự tin tưởng của nhân dân. Đảng ta-đã tự khẳng định quyền lãnh đạo đương nhiên mà ai cũng gọi là Đảng ta, của dân ta đừng nên chủ quan nữa, mà hãy xứng đáng.
Yêu cầu bây giờ đòi hỏi ở mức độ cao hơn, cách làm kiên quyết hơn, và việc triển khai của các đồng chí lãnh đạo bây giờ sẽ vất vả hơn. Vì dân đồi hỏi ở Đảng, sự giám sát của nhân dân, giám sát toàn Đảng với lãnh đạo, với Bộ Chính trị, với Trung ương khác trước. Bây giờ người dân kỳ vọng, mong Nghị quyết này sẽ được thực hiện. Nhiều người cũng thức sẽ góp phần xây dựng, thực hiện cho được Nghị quyết này.
Yếu kém do chủ quan là chính
PV: Nghị quyết có nêu rằng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm. Theo ông do đâu những yếu kém này lại chậm được khắc phục?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nếu mà nói về những yếu kém cần khắc phục thì Ban Chấp hành Trung ương đã nói. Nhưng tôi nghĩ, không thể khác được như đồng chí Tổng Bí thư hay trong Nghị quyết nêu là nguyên nhân chủ quan là chính.
Đừng nên đổ cho khách quan, vì tự thân mình mới hiểu được mình đang có những khuyết điểm gì, cũng như những người bệnh mới hiểu mình đang có bệnh gì. Chứ không phải ai cũng hiểu sâu bằng mình được. Biết mà không sửa đó là điều hệ trọng nhất.
Tôi cho rằng đó là việc Trung ương phải có quyết tâm cao, nhìn thẳng vào sự thật. Mặc dù, chúng ta có sự lãnh đạo vượt qua được nhiều thử thách, giành nhiều thắng lợi. Không ai có thể phủ nhận được, Đảng lãnh đạo về kinh tế, nông nghiệp, chăm lo đời sống của người nghèo… đến mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, rồi vững vàng từng bước trong hội nhập quốc tế và mở rộng ngoại giao đối với tất cả các nước. Đó là sự trưởng thành.
Nhưng sự trưởng thành này không nên vì thế mà xem nhẹ những khuyết điểm về mặt xây dựng Đảng, vì đây là vấn đề cơ bản. Nhiều người cho rằng, nếu không có Đảng mạnh thì làm gì có thắng lợi. Tôi đồng ý. Nhưng đừng chủ quan rằng tất cả là do Đảng lãnh đạo mà có, đó còn việc Đảng biết vận dụng cơ chế, chính sách nên thúc đẩy sự phát triển.
Nhưng việc quan trọng là tự thân xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đừng để Đảng quan liêu, xa dân, đừng để Đảng dẫn đến chủ quan, có nhiều quyết định không sát với ý tưởng dân, đừng để nhiều những hành vi tham nhũng trong nội bộ của Đảng, mà lại ở những cán bộ có quyền, có chức ở cấp cao. Điều này không phải là do dư luận nghi ngờ, mà đây là có thật. Đụng vào đâu một cách kiên quyết, thẳng thắn đều có cả. Đó là một điều rất đáng lo.
Đứng về góc độ nguyên nhân, thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính và giải quyết phải từ chủ quan là chính. Phải từ lãnh đạo cấp trên, từ những người đứng đầu là chính. Không thể trông mong vào cách giải quyết chung chung, là “toàn Đảng, toàn dân” mà việc xây dựng Đảng là phải của Đảng trước, Đảng có thật tâm thì dân mới xây dựng.
PV: Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh rằng, mọi việc phải lấy dân làm gốc, việc thành, bại cũng do dân quyết định. Nghị quyết Trung ương 4 cũng nêu một nội dung gần như là nhiệm vụ sống còn của Đảng là việc gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Theo ông, cần phải làm gì để thực hiện được nhiệm vụ này trong tình hình hiện nay?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nếu là nói thì lúc nào ta cũng nói đúng, không có lúc nào không nói Đảng không dựa vào dân, không thể hiện ý chí nguyện vọng của dân. Nhưng nhìn vào những việc cụ thể, việc thực hiện, việc triển khai thì nhiều việc dân băn khoăn, dân nghi ngờ, dân không tin ở việc nói đi đôi với làm. Đây là điều đáng suy nghĩ.
Tôi cho rằng, nhân dân ta là nhân dân cách mạng. Không bao giờ người dân mong một Đảng nào khác mọc lên ở đất nước này, mà người dân mong Đảng ta phát huy được Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, suốt hơn 80 năm nay, đã đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì phải giữ vững.
Đừng để xảy ra tình trạng như các nước Trung Đông, các nước châu Phi vì nó không mang lại kết quả tốt đẹp gì. Nhưng người dân cũng không chấp nhận, không thể yên tâm nếu như Đảng để những hiện tượng tha hoá về đạo đức, lối sống, về tư tưởng chính trị, về sự gương mẫu, ý thức. Hiện nay, trong Đảng cũng cần hết sức nghiêm túc suy xét. Cấp nào cũng có. Ngay từ việc xây dựng, kết nạp Đảng cũng có vấn đề.
Cho nên, nếu thẳng thắn, tôi cho rằng hiện nay Đảng viên đông nhưng nhiều nơi không phải vững mạnh. Đảng đông nhưng nhiều người không có ý chí chiến đấu, và tính gương mẫu và tiên phong như các giai đoạn trước. Tôi dám mạnh dạn nói điều đó.
Cấp trên, người đứng đầu phải làm gương
PV: Cũng như ông vừa nói, hiện nay có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Bởi nhiều người xác định vào đảng không vì mục đích cao đẹp là phục vụ nhân dân mà thay vào đó là rộng đường tiến thân. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nói chung thì không nên, nhưng hiện nay có nhiều trường hợp như vậy. Nhận thức về Đảng, nói về thể thức kết nạp Đảng, thì chẳng có nơi nào làm sai. Cũng thực hiện quy định, điều lệ kết nạp Đảng, nhưng hiện nay việc này đã bị biến dạng. Vào Đảng để đạt được ý nghĩ, mục đích gì, gánh vác nhiệm vụ này, nhiệm vụ kia là đều nhằm mục gì?
Nhiều người vì đích cá nhân, vì sự thu vén, vì quyền lợi, muốn có vị trí xã hội để thực hiện ý đồ cá nhân. Bây giờ tình trạng này có nhiều chứ không ít như trước. Giai đoạn nào cũng có tình trạng này, nhưng bây giờ nếu nói thật nghiêm túc, tôi nói hiện tượng này đang có rất nhiều.
Phải hết sức cẩn về vấn đề này. Không phải Đảng nhất thiết đông mới là mạnh. Đảng là đảng tiền phong, cần hạt nhân gương mẫu, làm thế nào để người đứng đầu, cấp uỷ, tổ chức Đảng dân phải tin thì mới có sức thuyết phục.
PV: Ông có cho rằng, tình trạng trên một phần do nguyên nhân từ việc bổ nhiệm cán bộ còn nể nang, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài?
Ông Phạm Thế Duyệt: Việc đó chắc chắn là có. Nói thoái hoá biến chất ở đây là do tính chủ quan trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ đã không dựa vào những điều như Nghị quyết Trung ương 4 nêu, mà mang tính hình thức nhiều. Cho nên xây dựng cách thức, tiến hành việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nói ở dưới nhưng ở trên lại bộc lộ nhiều bất cập.
Các cấp uỷ của tỉnh, Thành phố, Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương, khi đến Đại hội mới bộc lộ điều đó. Trong Nghị quyết nêu, tôi thấy rất tâm đắc. Những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục, cũng đều phải từ các cấp lãnh đạo bên trên. Cấp trên làm tốt thì mới làm gương cho cấp dưới.
Nếu trên không có quy hoạch, không có chuẩn bị đội ngũ cán bộ tốt, mà bảo ở cấp dưới tốt thì chẳng có nghĩa gì. Vì trên đã không làm tốt thì làm sao có điều kiện để xem xét, kiểm tra, lựa chọn, mà không khéo sẽ biến thành cơ hội để những kẻ lợi dụng. Nên việc xây dựng đội ngũ cán bộ cũng là điều rất đáng quan tâm, rất đáng suy nghĩ.
PV: Thưa ông, cũng nhân nói việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong thời gian qua cũng nói nhiều đến việc quy trách nhiệm của người đứng đầu. Theo ông, trong thời gian qua việc này đã thực hiện thực sự hiệu quả chưa?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi nghĩ Trung ương nêu ra vấn đề này cũng là muốn đánh giá về phần làm chưa tốt, hiệu quả thì không thể nói được. Nếu hiệu quả thì đã không có những tồn tại như vậy.
Cho nên tôi quan tâm đến 3 điều trong quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ. Một là người đứng đầu, hai là người chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, ba là cấp uỷ chịu trách nhiệm về công tác lựa chọn cán bộ. Vì không có thể để một người đứng đầu quyết mà tập thể và cấp uỷ không chịu trách nhiệm. Như thế thì lãnh đạo sẽ rất khó khăn và phức tạp.
Cho nên muốn quy hoạch tốt, lựa chọn cán bộ tốt, đánh giá tốt, xây dựng tốt thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính. Người đứng đầu công tác tổ chức phải chịu trách nhiệm chính, cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm. Sau đó cấp uỷ phải chịu trách nhiệm. Ba việc này phải đồng bộ với nhau, chứ không nên nói người đứng đầu.
Nhưng nói người đứng đầu cũng đúng vì người điều khiển tổ chức, điều khiển cơ quan, tổ chức và điều khiển cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trong tập trung xây dựng quy hoạch dân chủ, thì người đứng đầu có ý nghĩa như thế.
Nhưng người đứng đầu không thể thay thế cho yếu tố quyết định. Chuẩn bị một cán bộ đúng, trước hết là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cơ quan, tổ chức phải xử lý đúng và cấp uỷ phải dựa vào những thông tin chuẩn xác.
Làm được 60% Nghị quyết đã là tốt lắm rồi!
PV: Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã phát huy khá hiệu quả vai trò của mình. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhân rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ là giám sát lại chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao. Theo ông trong thời gian tới, MTTQ cần phải phát huy vai trò giám sát của mình như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nói về Mặt trận thì tôi có suy nghĩ. Trước hết phải nói trong Nghị quyết này cũng đã nhấn mạnh nhưng thể hiện chưa rõ. Tôi rất muốn là quan tâm xây dựng tổ chức cán bộ không phải chỉ có Đảng mà phải cả hệ thống chính trị, vì đánh giá, xem xét giống nhau nhưng mỗi vị trí lại khác nhau.
Nên Đảng làm sao lãnh đạo được cả hệ thống chính trị, các cán bộ phải mạnh, các tổ chức phải mạnh. Vai trò của tổ chức Đảng trong các cơ quan Nhà nước phải rõ, vai trò của Chủ tịch nước phải rõ, vai trò của mặt trận, các đoàn thể phải rõ. Đã sinh ra các tổ chức thì phải thiết thực. Tuyệt đối không để tổ chức nào hình thức. Như thế thì ý nghĩa của vấn đề xây dựng Đảng mới toàn diện, và mới thực sự giúp cho Đảng vững mạnh.
Quốc hội đã có nhiều tiến bộ nhưng cũng đừng chủ quan. Cũng phải nghiêm túc nhìn nhận xem Quốc hội đã thực sự là diễn đàn của các đại biểu Quốc hội chưa. Tôi khẳng định là chưa.
Nhìn vào con người, nhìn vào tổ chức, nhiều nơi thì thấy rõ có coi trọng tổ chức của Mặt trận hay không. Rồi đi đến việc rất hệ trọng là Đảng rất cần phải dựa vào Mặt trận để giúp cho Đảng công tác phản biện, công tác giám sát, giúp cho Đảng không bị quan liêu hoá, giúp cho Đảng thấy được khiếm khuyết.
Không chỉ Mặt trận giúp cho Đảng, mà còn giúp cho Quốc hội, bởi Quốc hội cũng là cơ quan Nhà nước, cơ quan quyền lực. Đừng chủ quan. Rồi cả Chính phủ, Viện Kiểm sát, Toà án….
Khi sinh ra các tổ chức, mà tiếng nói không phải là đối trọng với Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hãy tin để các tổ chức nói hết, xem nói đúng gì, sai gì và nghe hết rồi hãy quyết. Đây chính là nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện đúng.
Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ mà chỉ coi trọng quyền quyết định mà không chú ý phát huy dân chủ thì vô cùng thiệt thòi cho Đảng và Đảng khó có thể mạnh được.
PV: Như ông nói thì các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 lần này khá sát với tình hình hiện nay. Theo ông cần làm gì để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?
Ông Phạm Thế Duyệt: Có lẽ để Nghị quyết đi vào cuộc sống có nhiều việc phải làm, đứng về bình diện chung các Nghị quyết của Đại hội 11, Nghị quyết Trung ương 4 vừa đề cập đến, tôi nghĩ được làm được 60% thì cũng đã tốt lắm rồi.
Tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo bây giờ rất vất vả, khó khăn hơn thời kỳ chúng tôi nhưng phải có sự tập trung cao, trong vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là yếu tố quyết định đường hướng Chủ nghĩa Xã hội của chúng ta có đúng hướng hay không, quyết định mục tiêu là Đảng sẽ hết lòng chăm lo cho sự nghiệp của dân có đúng không?.
Theo tôi, có nhiều việc phải làm nhưng quan trọng nhất là cơ quan lãnh đạo, Đảng cầm quyền, các tổ chức Đảng phải thực sự vững vàng, gương mẫu trong dân. Điều đó thật không đơn giản.
PV: Xin cảm ơn ông./.