Làm rõ ai đã đề bạt, luân chuyển Phó Chủ tịch tỉnh đi xe Lexus?
VOV.VN - Theo ông Lê Quang Thưởng, cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên, ai đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh?
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới tới vụ việc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận vụ việc, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo với Ban Bí thư.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương ủng hộ hành động kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Đảng. Từ hành động ấy, ông tin tưởng rằng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ cần được chấn chỉnh để loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm sạch bộ máy Nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Nhiều câu hỏi về công tác cán bộ
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương |
PV: Câu chuyện chiếc xe Lexus của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo 10 cơ quan ban ngành làm rõ. Ông bình luận gì về chuyện này?
Ông Lê Quang Thưởng: Tôi rất hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề này. Bản thân chuyện “biển trắng-biển xanh” không phải là vấn đề lớn, nhưng thông qua chuyện này đặt ra rất nhiều câu hỏi về vấn đề công tác cán bộ.
Trước hết cần hiểu đúng về luân chuyển cán bộ. Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh cũng như mấy chục người trong một năm được lựa chọn để luân chuyển như một phong trào, làm cho người ta hiểu rằng hễ đi luân chuyển là được đề bạt, hễ đi luân chuyển là được “trên” cất nhắc, đánh giá tốt để đưa mình đi, để có tương lai tươi sáng hơn.
Kinh nghiệm về công tác cán bộ của tôi trong bao nhiêu năm qua, thì luân chuyển cần hiểu là một trong những biện pháp của công tác cán bộ. Đã có thời kỳ người ta xem luân chuyển cán bộ là một khâu đột phá quan trọng. Điều đó hoàn toàn không đúng. Luân chuyển chỉ là một khâu của công tác cán bộ.
Công tác cán bộ gồm những khâu: đánh giá cán bộ, lựa chọn những người tốt để đưa vào quy hoạch, để đào tạo bồi dưỡng họ, cất nhấc họ lên những vị trí phù hợp với yêu cầu công tác và khả năng của cán bộ; khen thưởng nếu cán bộ có thành tích; xử lý cán bộ nếu có khuyết điểm. Như đồng chí Đỗ Mười khi lên làm Tổng Bí thư cũng phải qua rất nhiều cương vị từ Bí thư tỉnh, Phó Thủ tướng, rồi lên làm Tổng Bí thư…
Như vậy, việc luân chuyển có từ lâu, nhưng không phải như bây giờ người ta quan niệm: luân chuyển cán bộ là để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Điều đó chỉ là một khía cạnh. Luân chuyển là yêu cầu của công tác cán bộ, yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng chứ không phải luân chuyển cán bộ vì mục đích rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở đó, những người luân chuyển học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn.
Xe Lexus tư nhân được gắn biển số xanh chở ông Thanh trên đường phố Cần Thơ (Ảnh: Dân Trí) |
"Con ruồi chui qua lỗ kim"
PV: Từ lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ trên 3.200 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh về Bộ Công thương, rồi được luân chuyển vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh và mới đây nhất là trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Có ý kiến cho rằng, trường hợp của ông Thanh với hậu quả và trách nhiệm nặng nề như thế mà đi lên như “diều gặp gió” cho thấy quy trình lựa chọn và sử dụng cán bộ có những bất thường từ đầu đến cuối. Theo ông, vấn đề đặt ra ở đây là gì?
Ông Lê Quang Thưởng: Bản thân Trịnh Xuân Thanh là người có vấn đề và cần phải xem xét.
Về việc này, có hai khía cạnh. Thứ nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý cán bộ, cụ thể là Ban cán sự Đảng, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang, những cơ quan này phải có trách nhiệm về vấn đề này. Vì sao một người làm ăn thua lỗ như vậy mà không được kiểm điểm, làm rõ? Tập đoàn Dầu khí làm gì mà không kiểm tra, xem xét xử lý khi người đứng đầu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm ăn thua lỗ.
Một người như ông Thanh sau khi làm ăn thua lỗ như vậy lại về Bộ Công thương làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng, không nhẽ Bộ Công thương không hiểu rõ về Trịnh Xuân Thanh?
Tỉnh ủy Hậu Giang chỉ đạo Công an Hậu Giang thay biển số xanh vào xe của ông Thanh. Theo lý giải của Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an Hậu Giang cho rằng đây là biển số "tồn kho", chưa được cấp cho xe nào. Nếu như vậy thì đây là việc vi phạm pháp luật???
Thứ hai là hiện tượng nhóm lợi ích trong công tác cán bộ và hiện tượng tham nhũng trong công tác nhân sự.
Người ta vẫn nói “con ruồi chui qua lỗ kim” tưởng chừng không thể xảy ra nhưng nó vẫn đang xảy ra vì có lý do của nó. Lý do thứ nhất là trách nhiệm quản lý cán bộ kém. Thứ hai, người ta vẫn nói chạy chức, chạy việc mất cả trăm triệu, thậm chí những ngành quan trọng khi lên chức cũng mất cả tỷ bạc. Vì vậy, tôi nghi ngờ có chạy chọt trong việc này và cần phải lên án.
Cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, những ai đã ký và ký vì sao? Phải làm rốt ráo việc này.
Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với doanh nghiệp, về vấn đề an toàn thực phẩm, đồng chí đã nói phải quy trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh, huyện, xã về những vấn đề đã xảy ra. Phải vận dụng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này. Phải quy trách nhiệm đối với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, không thể không có ai chịu trách nhiệm cả.
PV: Theo ông, việc xử lý tiếp theo của vụ việc này như thế nào, đặc biệt khi ông Trịnh Xuân Thanh vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV?
Ông Lê Quang Thưởng: Việc này phải theo luật pháp. Như hai đại biểu Quốc hội khóa trước đã bị Quốc hội miễn nhiệm thì phải có quy trình, có người nêu vấn đề, Thường vụ Quốc hội kiểm tra việc này và Quốc hội phải nêu ý kiến và các cơ quan có trách nhiệm phải trả lời.
Ví dụ Tỉnh ủy Hậu Giang, HĐND Hậu Giang đưa ông Trịnh Xuân Thanh vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội thì có biết chuyện này không? Nếu không biết thì quan liêu; biết mà vẫn đưa vào thì cần xem có gì mờ ám trong chuyện này hay không.
PV: Phải xử lý đến nơi đến chốn, thưa ông?
Ông Lê Quang Thưởng: Phải rốt ráo trong việc này. Và nhân việc này phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ, chấn chỉnh lại việc luân chuyển cán bộ, dứt khoát không làm theo phong trào mà phải làm vì công việc, vì đất nước. Còn việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ là hệ quả của việc luân chuyển. Qua luân chuyển để cán bộ hiểu biết thêm ngoài công việc chuyên ngành.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Phó Chủ tịch tỉnh đi xe ôtô Lexus: Làm tổn thương uy tín của Đảng