Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu phải thể hiện chính kiến
(VOV) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng không nên có lựa chọn “Chưa có ý kiến” trong phiếu lấy tín nhiệm.
Tiếp theo chương trình làm việc của Quốc hội, chiều 29/10, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Ý kiến các đại biểu đều thể hiện sự ủng hộ việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn và sẽ góp phần tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân thay mặt nhân dân giám sát; qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người được lấy phiếu.
Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhận biết rõ sự đánh giá về mức độ tín nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; trên cơ sở đó, có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bản thân. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để thực hiện tốt hơn công tác cán bộ.
Về những nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến đề nghị bỏ lựa chọn “Chưa có ý kiến” trên phiếu lấy tín nhiệm, vì trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phải thay mặt cử tri thể hiện chính kiến của mình.
Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến: “Cử tri chắc không đồng tình khi đại biểu lựa chọn “Chưa có ý kiến”. Đại biểu Quốc hội phải thay mặt cử tri, nhân dân đưa ra chính kiến rõ ràng”. Đại biểu đề nghị nên bỏ lựa chọn trên để không tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội không có ý kiến.
“Đại biểu phải nghiên cứu và có ý kiến chứ sao lại chưa có ý kiến. Người lựa chọn “Chưa có ý kiến” là thể hiện thiếu trách nhiệm với chính mình chứ chưa nói đến thiếu trách nhiệm với cử tri, với nhân dân”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) bày tỏ.
Khẳng định sự ủng hộ sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm để làm căn cứ đánh giá cán bộ đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của cử tri, của nhân dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm nên tập trung vào những người có chức vụ.
Cùng chung ý kiến, đại biểu Trần Ngọc Tăng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, mục đích lấy phiếu tín nhiệm là để xây dựng, nhưng nếu phạm vi đối tượng quá rộng dễ dẫn đến hình thức nếu không có cơ chế cung cấp thông tin về những người được lấy phiếu để những người bỏ phiếu nắm rõ.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đại biểu đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh, điều quan trọng là đại biểu phải thể hiện sự khách quan, công tâm, tinh thần trong sáng, trách nhiệm cao, tránh bị tác động khi thể hiện chính kiến trên lá phiếu.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, sau quy trình lấy phiếu tín nhiệm, những người tín nhiệm thấp phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm thì song song với đó công tác chuẩn bị nhân sự thay thế cũng phải được thực hiện tốt.
“Cái gì chưa chắc chưa làm, chắc mới làm và làm phải đạt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.