Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Tâm huyết và trách nhiệm
VOV.VN - Việc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã diễn ra tâm huyết, trách nhiệm vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.
Từ ngày 3/1 đến 15/3, toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đăng tải để lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Qua 2 tháng rưỡi, các cuộc góp ý sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm đã góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đây cũng góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
“Sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm”, đó là không khí của hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua. Những khó khăn, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng trong quá trình sử dụng đất của người dân đã được góp ý cụ thể vào từng điều của dự thảo Luật. Đặc biệt là việc thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Ông Nguyễn Mậu Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết, tất cả người dân ở xã Lưu Vĩnh Sơn bây giờ ai cũng hiểu một số điều trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân quan tâm nhiều đến vấn đề sau này doanh nghiệp lấy đất của dân mà tự thỏa thuận, đền bù hỗ trợ với nhau, nhưng trong luật không quy định rõ là thỏa thuận đến mức nào.
"Nhân dân rất băn khoăn nếu doanh nghiệp lấy đất, về tự thỏa thuận với dân, trong 10 hộ mà 8 hộ nhất trí, còn 2 hộ không nhất trí thì làm sao? Gây cản trở dự án và các ban ngành phải vào cuộc”, ông Nguyễn Mậu Dương cho biết.
Tính đến nay, toàn bộ hệ thống MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của MTTQ trong tham gia xây dựng pháp luật, đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng Nhà nước ban hành dự án luật quan trọng này.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo luật lần này rất phong phú, rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Còn riêng đối với Mặt trận Trung ương, Ban Thường trực và các Hội đồng tư vấn tổ chức 14 hội nghị, cùng với hội nghị của 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức. Đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý hết sức sâu rộng và có ý nghĩa trong các tầng lớp nhân dân.
Không chỉ những hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức sôi nổi mà thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các phương tiện thông tin đại chúng, việc góp ý vào dự thảo luật cũng được tiến hành nghiêm túc, bài bản.
Tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một trong những kênh tiếp nhận góp ý văn bản góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đến thời điểm này, đã nhận được hơn 2.000 ý kiến đóng góp. Cán bộ tại bộ phận tiếp nhận đã làm việc thêm giờ để đảm bảo không bỏ sót góp ý nào của người dân.
Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, một cuộc hội thảo, tọa đàm có thể 10-12 ý kiến, nhưng thông qua các hình thức đa phương tiện, các nền tảng thì khoảng 1.800 ý kiến có trí tuệ. Đây là những trí tuệ của nhân dân đóng góp để làm sao xây dựng được luật, để thực sự là một luật của ý Đảng lòng dân.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa 13/3 đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ. Nội dung góp ý tập trung vào chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất…
Những ý kiến tâm huyết của nhân dân đã được đóng góp, nhưng ở đây cũng cần đặt ra trách nhiệm đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Nhiều người dân mong muốn những ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
"Vì tính chất đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai, nhân dân rất quan tâm đến dự thảo luật này. Vì giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, chết vì đất. Với tính chất cấp bách, quan trọng đó, tôi tin rằng Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những ý kiến của nhân dân vì luật này liên quan đến mọi người dân và đến sự phát triển lâu dài của đất nước".
"Lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến là 2 việc khác nhau. Ý có đấy, nhưng tiếp thu thế nào? Hay tiếp thu rất là nghiêm túc nhưng mọi việc vẫn như cũ. Thứ hai, cũng không đặt thành vấn đề là hết tháng 3 này là hết hạn lấy ý kiến. Luật là để cho toàn dân thực hiện, người dân vẫn có quyền có ý kiến vào bất kỳ lúc nào người dân thấy có ý kiến”.
Đó là 2 ý kiến của người dân góp ý vào việc tiếp thu dự thảo luật.
Việc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã diễn ra tâm huyết, trách nhiệm vì mục tiêu phát triển chung của đất nước. Việc tiếp thu phải đúng thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm và phải chắt lọc, bảo vệ cho được ý kiến đúng, phản bác những quan điểm sai trái. Có như vậy, mới xây dựng được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đúng định hướng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới./.