Lấy ý kiến về chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030
VOV.VN - Sáng 19/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045” (Chiến lược).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chiến lược cần kiên trì định hướng đúng đắn, đồng thời có sự cập nhật, thích ứng và đột phá. Việc triển khai Chiến lược phải huy động sự tham gia của cả hệ thống, trong đó có khối tư nhân để nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước tăng đầu tư, hiệu quả cho giáo dục.
Đồng thời, cần tính đến cấu trúc của nền kinh tế, các ngành công nghiệp trong tương lai, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào quá trình hoạch định mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục.
“Phát triển nguồn nhân lực chính là sự gợi mở tư duy đột phá, đổi mới cho ngành giáo dục, tận dụng công nghệ cuộc cách mạng lần thứ tư, kinh tế số chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một thế giới đang phát triển và hội nhập toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.
Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2045” là phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân... Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế, đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp thu những nội dung trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đánh giá 5 năm đổi mới đối với giáo dục phổ thông, cập nhật nhu cầu nguồn nhân lực tương lai…
Các mục tiêu cụ thể cho từng bậc học
- Bậc mầm non: Phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030; đến năm 2025 có ít nhất 90% và đến năm 2030 có 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục; phấn đầu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.
- Bậc phổ thông: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học 99,5%, trung học cơ sở đạt 97%, trung học phổ thông đạt 93%, đến năm 2030 là 99,7%, 99%, 95%.
- Bậc đại học: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ 200 sinh viên/vạn dân, năm 2030 là 260 sinh viên/vạn dân; đẩy mạnh xã hội hoá, phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục đại học tư thục đạt 30% với số sinh viên theo học đạt 22,5% và đến 2030 là 35% cơ sở giáo dục đại học tư thục với 25% sinh viên theo học. Ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành đào tạo quan trọng phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân.
Tại hội nghị, các ủy viên Hội đồng đã phân tích những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong dự thảo Chiến lược, theo đó cho rằng, Chiến lược cần đưa ra các mục tiêu mới, giải pháp bứt phá nhằm đáp ứng theo yêu cầu nhân lực hiện nay.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị, cần xác định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan (bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, gia đình, xã hội…) trong thực hiện Chiến lược; lựa chọn những khâu thay đổi đột phá.
“Chiến lược cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Không làm rõ trách nhiệm thì sẽ không biết ở đâu chưa làm được, ở đâu còn vướng”, GS Nguyễn Văn Minh nói.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, Chiến lược phát triển giáo dục phải gắn kết với chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo thành hệ thống giáo dục mở, liên thông.
Từ ý kiến của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương đi đầu cần “đi trước, làm thử” những cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục với mục tiêu cao hơn, lộ trình thực hiện sớm hơn.