Lấy ý kiến xây dựng chính quyền đô thị TP HCM
VOV.VN -Hệ thống quản lý hành chính được tổ chức gồm hai cấp so với 3 cấp hiện tại
Sáng nay (10/8), HĐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị nghe báo cáo đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị đã nghe báo cáo về tiến độ xây dựng đề án chính quyền đô thị của thành phố và trao đổi ý kiến về nội dung của đề án này. Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị do UBND TP HCM soạn thảo, mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và điều kiện vận hành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Theo đó, hệ thống quản lý hành chính được tổ chức gồm hai cấp so với 3 cấp hiện tại là: cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở, riêng địa bàn nội thành 13 quận hiện hữu chỉ còn 1 cấp chính quyền. Thành phố sẽ có 4 thành phố vệ tinh được quy hoạch chặt chẽ với các ngành nghề mũi nhọn được tập trung phát triển, có bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, tinh gọn với đội ngũ công chức có năng lực cao, phục vụ cho lợi ích của công dân, tổ chức và doanh nghiệp; huy động tối ưu mọi nguồn lực nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh: mô hình chính quyền đô thị là rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh bởi mô hình quản lý chính quyền địa phương hiện nay đang thể hiện những bất cập đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đề án cần nêu rõ hơn những lợi ích thiết thực sẽ mang lại cho người dân khi thí điểm mô hình này, hiệu quả về kinh tế - xã hội cũng như những chi phí phát sinh khác. Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị để nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện đề án này.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM cho biết: Đề án này xuất phát từ tình hình thực tiễn của thành phố. Đổi mới một mô hình về quản lý nhà nước dĩ nhiên sẽ phải có những xáo trộn, vì thế đòi hỏi phải có những tính toán chặt chẽ, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Chúng ta phải quán triệt một nguyên tắc của Đảng ta là xây dựng chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Từ yêu cầu này, Đảng bộ thành phố sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực với tinh thần cầu thị, nghiêm túc để hoàn thiện đề án./.