Lịch trình hơn 10 tiếng của Thủ tướng tại Liên Hợp Quốc
VOV.VN - Trong thời gian một ngày hoạt động tại New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 15 hoạt động.
Sáng 27/9, theo giờ Việt Nam (tối 26/9, giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế John F.Kennedy, thành phố New York, Hoa Kỳ, bắt đầu chuyến tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 73. Trong ảnh: Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay. (Ảnh: TTXVN) |
Chiều 27/9, theo giờ New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Thủ tướng nêu vấn đề: “Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Tôi đề nghị vấn đề “trách nhiệm kép", mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu...". Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc. (Ảnh: TTXVN) |
Tại cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa Garces, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Liên Hợp Quốc ưu tiên thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. (Ảnh: TTXVN) |
Tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh: TTXVN) |
Sáng 27/9 (theo giờ New York), bên lề chuyến tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 73, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với khoảng hơn 40 lãnh đạo các nhà đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ và thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ, thực phẩm, tài chính ngân hàng, thực phẩm... (Ảnh: Quang Hiếu) |
Vui mừng vì các nhà đầu tư Hoa Kỳ đều có mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, nhất là việc tận dụng những tiềm năng lợi thế về công nghệ, lực lượng lao động sẵn có của một thị trường Việt Nam rộng lớn cùng những điều kiện thuận lợi khác về thể chế. "Và quan trọng là cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực", Thủ tướng cho biết. (Ảnh: Quang Hiếu) |
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Phil Falcone (ảnh trái), Chủ tịch Quỹ đầu tư tài chính Harbinger và ông Timothy Geithner, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Thủ tướng đánh giá cao Harbinger và Warburg Pincus, hai công ty đầu tư tài chính có tiềm lực lớn, đã mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Trong ảnh: Thủ tướng tiếp ông Timothy Geithner, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Warburg Pincus. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Tại cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel vào ngày 27/9, Thủ tướng đề nghị hai bên cùng tiếp tục củng cố các cơ chế hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả các dự án hợp tác hiện có về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh..., đồng thời, thúc đẩy xây dựng các cơ chế và lĩnh vực hợp tác mới. (Ảnh: TTXVN) |
Hội kiến với Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bulgaria tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của mình tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, công nghệ xanh, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, chế biến thực phẩm... (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tại cuộc gặp Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp Bộ, ngành, doanh nghiệp và xúc tiến thương mại - đầu tư. Hai bên cần phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 triệu USD trong 5 năm tới. Tổng thống Croatia nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và hoan nghênh việc hai nước vừa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần tháng 7/2018. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tại cuộc gặp Thủ tướng Fiji Josaia Voreqe Bainimarama, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Fiji trong những lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, hợp tác nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản... (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Trao đổi với Thủ tướng Saint Lucia Allen Chastanet, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao và xem xét thiết lập một số cơ chế hợp tác song phương và tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường và cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các cán bộ Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh tiêu biểu và bạn bè Mỹ tại New York. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp riêng với một số cá nhân là bạn bè Mỹ của Việt Nam, cảm ơn sự ủng hộ lâu năm của họ đối với quá trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như quá trình đổi mới, hội nhập của Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng chụp ảnh cùng thanh thiếu niên, sinh viên Việt Nam. |
Tối muộn ngày 27/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc thành công chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York và lên đường về nước. Trong ảnh: Thủ tướng và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại New York. (Ảnh: TTXVN)./. |