Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo
VOV.VN - Thiếu tướng Trần Văn Nam- Phó Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định sự ra đời của Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một dấu mốc quan trọng, tạo hành lang pháp lý để các lực lượng bảo vệ tốt an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ngày 18/9, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại 73 điểm cầu. Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ chỉ huy quân sự từ 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cùng nhiều đại biểu.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng với lực lượng Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, duy trì thực thi pháp luật trên biển, cũng như bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý để lực lượng Cảnh sát biển thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Luật xác định, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chức năng của Nhà nước Việt Nam, làm nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự, hòa bình.
Trả lời phỏng vấn PV VOV, Thiếu tướng Trần Văn Nam- Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng: “Trong luật Cảnh sát biển Việt Nam đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng pháp luật và đường lối hòa bình. Qua đó, xây dựng vùng biển Việt Nam, vùng biển quốc tế hòa bình, hợp tác và phát triển. Hiện nay, xuất hiện các loại tội phạm xuyên quốc gia trên biển như cướp biển, tội phạm về ma túy, tội phạm buôn bán người…Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý để lực lượng Cảnh sát biển có cơ sở xác định khi nào cần truy đuổi, khi nào cần nổ súng đối với các đối tượng tội phạm như trên” - Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Luật cảnh sát biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ; ưu tiên về nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Văn Nam các quốc gia lớn đều khẳng định lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. Muốn thực thi pháp luật trên những vùng biển rộng lớn thì phải là lực lượng vũ trang mới đủ sức trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất: Luật Cảnh sát biển Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt đối với Cảnh sát biển Việt Nam./.