Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định thế nào về tài chính bệnh viện?
VOV.VN - Thừa nhận đây là vấn đề rất khó, cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho biết nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến để quy định nguyên tắc cơ bản nhất, rồi giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ 2 (diễn ra từ 5-9/1) là việc Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 cuối năm 2022 nhưng sau đó Quốc hội quyết định lùi lại để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Tại họp báo về chương trình kỳ họp bất thường diễn ra chiều nay 3/1, phóng viên đề nghị làm rõ việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định, nhất là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề hội đồng y khoa, xã hội hóa, tự chủ và tài chính bệnh viện.
Trả lời, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, theo dự thảo, Hội đồng Y khoa là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Luật chỉ quy định khung, không quy định chi tiết, sau này Chính phủ sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền tổ chức cụ thể về hội đồng này. Đây là cơ quan tổ chức kỳ thi độc lập với cơ quan cấp phép và tổ chức đào tạo.
Đề cập tài chính trong bệnh viện, ông Nguyễn Hoàng Mai thừa nhận đây là vấn đề rất khó. Cơ quan soạn thảo cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hộ và các ý kiến khác để làm sao quy định nguyên tắc cơ bản nhất, ghi nhận, sau đó Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết trong các nghị định.
Liên quan tự chủ bệnh viện, nguyên tắc là Nhà nước đảm bảo chi hoạt động mà nhà nước giao nhiệm vụ. Khi tự chủ thì bệnh viện được tự chủ các mặt, từ tổ chức nhân sự, hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám, chữa bệnh theo luật định.
Về tự chủ tài chính, Luật quy định rõ, bệnh viện tự chủ thì quyết định mức thu do bệnh viện tổ chức thực hiện mà không phải do Nhà nước định giá. Các nguồn thu được sử dụng theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết vấn đề tự chủ.
Dự thảo cũng ghi nhận các hình thức xã hội hóa phổ biến, có chính sách ưu đãi trong lĩnh vực y tế.
Giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh được quy định mang tính cụ thể, không dẫn chiếu theo Luật Giá. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân căn cứ định giá và tự quyết, thực hiện công khai giá và chịu kiểm soát theo Luật Giá.
Với cơ sở Nhà nước hiện 2 luồng ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Nhà nước chỉ định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bằng BHYT, còn lại để bệnh viện quyết định trên cơ sở quy định của luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước định giá tối đa cho tất cả dịch vụ, giao quyền cho các chủ thể liên quan quyết định giá cụ thể. Ví dụ bệnh viện của Bộ Y tế thì bộ này quyết định, tương tự với công an, quân đội cũng thực hiện việc này, ngoại trừ trường hợp PPP hoặc tự chủ hoàn toàn được quyền tự chủ theo khung giá Bộ Y tế quyết định.
Hiện nay đang báo cáo cơ quan có thẩm quyên về việc trình Quốc hội cho ý kiến về thẩm quyền định giá cho cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước” – ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết./.