Tội phạm ma tuý là tội phạm ẩn, là tội phạm của các loại tội phạm. Do đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Đảng, Nhà nước rất quan tâm, mạnh tay xử lý và thể hiện rõ nhất là ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 36 về "tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy".

Cùng với đó, việc Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp 11 và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022 là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để tạo chuyển biến công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới khi khắc phục được nhiều bất cập, khó khăn, sát thực tiễn.

Nhấn mạnh công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có ý nghĩa rất quan trọng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, Luật thiết kế 1 chương riêng với 5 điều (từ Điều 22 đến Điều 26) quy định việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy.

Điểm quan trọng của biện pháp này chính là việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (lý lịch tư pháp không ảnh hưởng). Điều đó đồng nghĩa với việc những người này được phân loại để thực hiện biện pháp cai nghiện từ đầu theo điều kiện được quy định, không như trước đây nhiều thủ tục mà gần không đưa đi cai nghiện được, thời gian kéo dài dẫn đến tái nghiện.

Theo quy định của luật, nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm:  Tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, quy định cũng thể hiện rõ trách nhiệm của cá nhân, gia và cơ quan, tổ chức trong quá trình quản lý để giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không thành người nghiện, qua đó giảm cầu ma tuý. Hơn thế, làm tốt công tác này góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật khác. Bởi thực tế tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.

“Đây là chương được quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm tốt công tác này sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế đầu vào người nghiện cũng như các loại tội phạm. Biện pháp này nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ” – Cục trưởng C04 khẳng định, vì “có làm kinh tế tốt bao nhiêu mà nhà có người nghiện, ngáo đá giết người, thậm chí cả người thân thì tiền cũng đi hết”.

Hơn nữa, thời hạn quản lý là 1 năm  kể từ ngày có quyết định quản lý và nếu người đó tiếp tục bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hạn quản lý được tính lại từ đầu, là chế tài mang tính răn đe cao. “Nhiều thảm án gây bức xúc cũng từ ma túy mà hành vi sử dụng trái phép chỉ bị xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe. Một viên ma túy tổng hợp đưa vào quán bar, vũ trường bán vài trăm nghìn thì có phạt một vài triệu đồng cũng không nghĩa lý gì” – ông Nguyễn Văn Viện nêu rõ.

Cũng theo C04, số người nghiện ma túy ở nước ta còn cao. Tính đến tháng 6/2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý. Đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn. Tình hình tổ chức sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, các đối tượng vẫn lén lút tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm và tại các nhà trọ, nhà cho thuê, chung cư, căn hộ cao cấp, khu nghỉ dưỡng… bất chấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Một điểm nhấn nữa trong Luật phòng, chống ma túy năm 2021 chính là về cai nghiện ma túy. Với 1 chương, 17 điều, nội dung về cai nghiện ma túy đã được sửa đổi toàn diện để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn.

Luật quy định hai biện pháp là cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Trong đó, cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Đáng chú ý, luật không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng. Bởi theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, thực tế cho thấy việc quy định cai nghiện tại cộng đồng trước đây không hiệu quả khi thôn xóm vướng tình cảm, cán bộ kiêm nhiệm không đủ trình độ. Số liệu cho thấy tỷ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình 3%/năm trong 5 năm qua.

Luật mới được kỳ vọng giải quyết được vấn đề khi cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện có sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã. Thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ đủ 6 tháng đến 12 tháng, Nhà nước có hỗ trợ kinh phí với những trường hợp đủ điều kiện.

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng Phòng 2, C04 nhấn mạnh thêm, luật khuyến khích tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy thì được đăng ký cung cấp dịch vụ với Chủ tịch UBND cấp huyện. Khi tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ phải thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

“Điều này đảm bảo tính chuyên sâu trong công tác cai nghiện tại cộng đồng. Trước đây Chủ tịch UBND xã lập tổ quản lý nhưng không có chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều việc và không hiểu về cai nghiện, nên lập ra như để đó, hình thức” – Trung tá Hoàng Văn Hiều nói, đồng thời cho biết căn cứ quy định trong luật này, các bộ liên quan sẽ nghiên cứu đề xuất cụ thể các chính sách trong quá trình xây dựng sửa đổi bổ sung luật về thuế, đất đai, đầu tư nhằm thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác cai nghiện.

Để đảm bảo quyền con người, quyền tự do đi lại và cư trú theo quy định của Hiến pháp 2013 và phù hợp với Luật cư trú, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 không phân biệt đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa người có nơi cư trú ổn định và không có nơi cư trú ổn định. Tức là tất cả người nghiện, không phân biệt nơi cư trú, khi bị phát hiện là nghiện đều được đăng ký cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Để tránh trường hợp lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Luật đã quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.

“Tinh thần xuyên suốt của vấn đề cai nghiện là đổi mới, tạo điều kiện cho người nghiện và đi từng cấp độ một, theo quy trình là thực hiện quyền tự nguyện trước, nếu không thực hiện mới cần mức cao hơn là đưa đi cai nghiện bắt buộc như 4 trường hợp ở Điều 32. Quy định như vậy là hết sức nhân văn” – Trung tá Hoàng Văn Hiều phân tích.

Tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực làm cho tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. C04 cho biết, trên tuyến Tây Bắc, thời gian qua đã được các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh, nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp và gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại. Đáng chú ý là các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung đi một số tỉnh biên giới phía Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.

Tang vật chuyên án 121 (Ảnh Bộ Công an)

Trong khi đó tuyến Bắc miền Trung, ma túy từ Lào thẩm lậu qua các tỉnh Bắc miền Trung rồi vận chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc tiêu thụ diễn biến phức tạp, các đối tượng trang bị vũ khí nóng trong quá trình vận chuyển trái phép chất ma túy. Tình trạng vận chuyển trái phép ma túy từ Campuchia vào nước ta qua biên giới Tây Nam vẫn diễn ra, thậm chí với số lượng rất lớn.

Với hàng không, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ. 

Tương tự, tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại các vùng dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khi xuất hiện một số phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy như lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy bằng các xe tải chở hàng hóa lương thực (xe luồng xanh) thông qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch diễn ra tại một số địa phương. 

Bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các đối tượng người nghiện vẫn tiếp tục mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đáng lưu ý, còn xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy qua khu vực các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để đưa vào cho các đối tượng nghiện trong các khu cách ly, phong tỏa và đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ như tại Hà Nội, Bắc Giang…

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, 11 tháng năm 2021, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phát hiện 25.175 vụ, bắt giữ 37.046 đối tượng, thu giữ: 596 kg heroin, 2,6 tấn và 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp, gần 1 tấn cần sa, 67 khẩu súng quân dụng, 7 lựu đạn, hàng trăm viên đạn cùng nhiều phương tiện, tài sản có liên quan.

Riêng C04 đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh bắt giữ 74 vụ, bắt giữ 213 đối tượng, thu giữ 223 kg heroin, 1,03 tấn và 1,9 triệu viên ma túy tổng hợp, 1 kg thuốc phiện, 13 khẩu súng quân dụng. Hiện C04 đang trực tiếp thụ lý 39 vụ án, 139 bị can.

Từ thực tế trên, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, tuyên truyền, phòng ngừa tốt từ sớm, từ xa phải đi đôi với đấu tranh trấn áp. “Phòng ngừa không tốt thì người nghiện còn nhiều. Phối hợp không đồng bộ, nhận thức triển khai không hiệu quả thì bắt mãi vẫn thế, bắt chỗ này lại sang chỗ khác, thực tế cơ quan chuyên trách và công an cơ sở bắt nhiều nhưng không lại”. Mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là quyết liệt, khó khăn, lâu dài nên bên cạnh lực lượng chuyên trách cần sự chung tay giúp sức của cả hệ thống chính trị, từng gia đình và toàn xã hội./.

Thứ Năm, 05:23, 30/12/2021