Mặt trận có đầy đủ “công cụ” để thực hiện giám sát
VOV.VN - Với các "công cụ" hiện có, Mặt trận không chỉ giám sát mà còn tiếp nhận thông tin tố giác ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 chiều 20/9 đã bế mạc sau 3 ngày làm việc.
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX họp phiên bế mạc chiều 20/9. |
Đại hội đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới là: bám sát chủ trương, đường lối về đại đoàn kết toàn dân tộc; Hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; Không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt về phương thức hoạt động; Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho công tác Mặt trận; Nâng cao năng lực hoạt động và uy tín của đội ngũ cán bộ mặt trận.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Viêt Nam Hầu A Lềnh thông tin tại cuộc họp báo chiều 20/9 |
Nhấn mạnh về thông điệp Thủ tướng Chính phủ gửi gắm: "Mặt trận phải là nơi để người dân thực hiện vai trò giám sát và tố giác đối với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm..." tại buổi họp báo kết thúc Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Viêt Nam Hầu A Lềnh nêu rõ, về tổng thể, với các "công cụ" hiện có, Mặt trận Tổ quốc không chỉ giám sát và tiếp nhận thông tin tố giác liên quan tham nhũng, lãng phí, quan liêu... mà ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bởi thực tế, hiện nay, theo ông Hầu A Lềnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang duy trì một bộ phận tham gia Phòng tiếp công dân của Trung ương. Bộ phận này đã nhận hàng nghìn đơn thư phản ánh của người dân, tiến hành phân loại và gửi cho các bộ, ban, ngành, các cơ quan có trách nhiệm ở các địa phương tiếp nhận và xử lý.
Bên cạnh đó, thông qua kênh của chính các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc công tác tại các địa bàn, các lĩnh vực, Mặt trận Tổ quốc cũng đã tiếp nhận số lượng lớn ý kiến người dân, cũng như thông tin về tình hình người dân ở khu vực và lĩnh vực các vị Ủy viên đang công tác.
Cùng với đó, qua hệ thống mặt trận các cấp tỉnh, huyện, xã theo cơ chế xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh, tỉnh tập hợp báo lên trung ương; qua các tổ chức thành viên của Mặt trận (47 tổ chức thành viên ở cấp trung ương; 25-27 tổ chức thành viên ở cấp địa phương), đặc biệt thông qua các chương trình giám sát thường xuyên và đột xuất, các tâm tư, phản ánh của người dân ở nhiều lĩnh vực đã được thông tin về Mặt trận, qua đó được tổng hợp, phân tích, phân loại chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh đến thông tin của cơ quan truyền thông và coi đây là kênh thông tin vô cùng quan trọng đối với Mặt trận, trên cơ sở đó Mặt trận xem xét việc giám sát hoặc chỉ đạo đề nghị mặt trận địa phương tổ chức các hình thức giám sát, từ đó gửi kiến nghị lên các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề người dân quan tâm.
Thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương về đổi mới bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy cơ quan Mặt trận, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, Mặt trận đang làm rất quyết tâm. Ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành kiện toàn lại toàn bộ bộ máy ở cơ quan trung ương. Trước đây, dưới cấp vụ là cấp phòng, nhưng sau khi kiện toàn, bộ máy Mặt trận hiện nay không còn cơ cấu cấp phòng, chỉ có lãnh đạo cấp vụ và chuyên viên, chỉ có duy nhất văn phòng là cơ quan tham mưu giúp việc có kết cấu cấp phòng; lãnh đạo các phòng trước đây giờ xuống làm chuyên viên. Tới đây, Mặt trận sẽ rà soát xem xét các vụ chuyên môn có chức năng tương đồng với nhau có thể sáp nhập để giảm đầu mối.
"Việc rà soát lại toàn bộ bộ máy tổ chức được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động của năm đã được nêu rõ trong Nghị quyết của Đại hội IX", ông Hầu A Lềnh cho biết./.