“Minh bạch tài chính để thầy thuốc bớt lo lắng, tập trung vào chuyên môn”
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý điều này khi góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/4.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Quan điểm là lấy người bệnh làm trung tâm; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo lần này đã được tiếp thu, hoàn thiện nhiều nội dung quan trọng, cũng như cập nhật được nhiều vấn đề mới phát sinh qua thực tiễn phòng, chống dịch vừa qua, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế. Hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, luật sửa đổi lần này cần đảm bảo được yêu cầu bảo vệ người bệnh, bảo vệ đội ngũ thầy thuốc cũng như công khai, minh bạch hoạt động khám chữa bệnh; thể chế hoá toàn diện hơn chủ trương xã hội hoá trong khám chữa bệnh.
Đó là phải khắc phục được tình trạng lạm dụng công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ khám chữa bệnh lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số quần chúng nhân dân. Người bệnh đua nhau dồn lên tuyến trên, y tế cơ sở ít được coi trọng. Qua phòng, chống dịch cho thấy hệ thống y tế quá tải nhưng y tế ngoài công lập tham gia vẫn còn bất cập...
Cho rằng lĩnh vực y tế dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho đến chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm cơ chế tài chính. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 19 nói đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thì phải thực hiện kiểm toán, công khai báo cáo tài chính như đối với các doanh nghiệp.
“Luật này quy định đến đâu, pháp luật liên quan tài chính thế nào phải tính toán để đảm bảo công khai, minh bạch, cái nào được làm và làm như thế nào để thầy thuốc tập trung chuyên môn, không lo lắng về quản lý” – ông Vương Đình Huệ nói, lưu ý thêm vấn đề bảo vệ được người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hoá trong hoạt động y tế cũng như rủi ro nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật này làm sao khuyến khích thành lập các trung tâm khám chữa bệnh cao cấp, trình độ cao vì nhu cầu chi trả của người dân ngày càng tăng, mỗi năm bỏ ra rất nhiều tiền đi khám chữa bệnh ở nước ngoài trong khi trình độ y khoa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.
Chức danh nào phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh?
Dự thảo Luật quy định 9 chức danh phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, bổ sung 3 chức danh so với đề nghị xây dựng Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động, thuyết minh rõ lý do bổ sung, vai trò cũng như phạm vi hoạt động chuyên môn của ‟kỹ thuật y”, “dinh dưỡng”, “cấp cứu viên ngoại viện” trong hoạt động KCB; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám chữa bệnh cần được cấp giấy phép hành nghề.
Việc quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sỹ khác, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh là sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở, mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.
Do đó, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sỹ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề lực lượng y sỹ thuộc lực lượng vũ trang khi hết tuổi phục vụ nếu không được hành nghề thì có lãng phí nguồn lực hay không? Nếu là quân nhân chuyên nghiệp thì 53 tuổi đã nghỉ, trong khi giai đoạn này là độ "chín" về nghề mà không cấp giấy phép hành nghề cho họ thì đào tạo chuyển nghề thế nào. Đây là nội dung cần đánh giá, thiết kế cho phù hợp.
Dự thảo quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định chặt chẽ về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh là cần thiết, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu lộ trình áp dụng để đảm bảo tính khả thi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị nghiên cứu thêm nội dung này, vì thực tế chuyên gia nước ngoài chuyên môn cao có chuyến công tác đến Việt Nam mà tham gia chữa bệnh vẫn rất tốt dù họ không biết tiếng Việt, và thực tế đã có những trường hợp như vậy.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng đây cũng là vấn đề vướng mắc từ lâu nên Chính phủ cần lập luận từng phương án để trình Quốc hội xem xét./.