“Muốn dân chủ trong công tác cán bộ phải có tranh cử”
(VOV)- Ông Vũ Mão: "Phải có tranh cử. Mỗi ứng cử viên phải có chương trình hành động và phải được cọ sát".
PV: Trong Hội nghị lần này, lần đầu tiên vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được đưa ra và được nhiều người quan tâm. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Ông Vũ Mão: Nội dung tôi quan tâm nhất vẫn là xung quanh vấn đề xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Trong Hội nghị lần này có đưa ra vấn đề quy hoạch cán bộ ở cấp chiến lược, tôi cho rằng đây là việc rất đúng và cần thiết.
Có thể nói, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, nằm trong tổng thể công tác quy hoạch cán bộ đã được đề cập ở một số văn kiện của Đảng. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết, Trung ương cũng đã có một số lần bàn về vấn đề này. Nhưng để nó mang tính chất như một văn kiện trọn vẹn, thì ở Hội nghị Trung ương 7 đặt vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là cần thiết.
Rõ ràng chúng ta cũng thấy công tác cán bộ, bên cạnh những thành tựu thì vẫn còn những tồn tại, thiếu sót. Để khắc phục những tồn tại, Hội nghị Trung ương lần này ra Nghị quyết về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là đúng đắn.
Muốn dân chủ trong công tác cán bộ phải có tranh cử
PV: Ông có cho rằng, một quy hoạch tốt là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc tổ chức thực hiện?
Ông Vũ Mão: Tôi chưa có điều kiện đi sâu và tìm hiểu sâu các nội dung trong Nghị quyết, nhưng với một cách nhìn khách quan và bằng kinh nghiệm của bản thân đã qua nhiều khóa Trung ương, tôi thấy có mấy vấn đề cần đặt ra ở đây.
Thứ nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần phải được đặt ra trong tổng thể công tác cán bộ nói chung. Công tác cán bộ của chúng ta khá toàn diện, trong đó có quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện.
Tôi hoan nghênh việc đặt vấn đề về quy hoạch, nhưng vẫn mong muốn có một quy hoạch toàn diện và đầy đủ hơn. Quy hoạch cán bộ chỉ là một công đoạn quan trọng trong tổng thể công tác cán bộ. Quy hoạch ở đây phải có tầm chiến lược mang tính dài hạn.
Thứ hai là phải có kế hoạch để triển khai cụ thể. Từ nay tới Đại hội Đảng lần thứ 12 chỉ còn hơn hai năm nữa, vậy công tác cán bộ cấp chiến lược từ nay đến đó nên gọi là quy hoạch hay thực chất là kế hoạch. Tôi nghĩ rằng đó là kế hoạch vì phải triển khai rất cụ thể trong thời gian ngắn. Còn quy hoạch thì phải nhìn dài hơn và rộng hơn.
Thứ ba là về tổ chức thực hiện. Theo tôi, đây là vấn đề quan trọng nhất. Nếu coi quy hoạch, kế hoạch là 5 thì việc tổ chức thực hiện để đạt đến hiệu quả phải là 10, bởi trong tổ chức thực hiện có nhiều công đoạn cụ thể, rất khó khăn và vất vả.
Đối với khoá 12 này, chúng ta hiểu cán bộ cấp chiến lược đây là Ban Chấp hành Trung ương, là Bộ Chính trị, là Ban Bí thư và người đứng đầu là Tổng Bí thư. Chúng ta phải có cách nhìn và cách làm để chọn người xứng đáng. Đại hội 12 sắp tới rồi, thì đây phải là một kế hoạch rất cụ thể.
PV:Thưa ông, trong công tác cán bộ hiện nay cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó nổi lên là vấn đề dân chủ. Ông đánh giá như thế nào về tính dân chủ trong công tác cán bộ hiện nay?
Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng lâu nay bài học thành công trong công tác cán bộ cũng do chúng ta đã có cách làm, từ nội dung đến phương thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cách mạng giải phóng dân tộc.
Từ sau năm 1975, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề dân chủ. Một khâu quan trọng là tổ chức bầu cử. Tưởng rằng cứ bầu cử là có dân chủ nhưng chưa hẳn là thế. Có một lý do thường thấy là yếu tố tâm lý trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung và dân chủ. Thường là trong Đảng, ý thức kỷ luật, kỷ cương rất nghiêm, cho nên người lãnh đạo cấp trên (Bí thư cấp uỷ, thủ trưởng) khi đã có ý kiến, thì các thành viên trong tổ chức đó thường tuân theo, ít có chuyện nói khác.
Về vấn đề dân chủ trong công tác cán bộ, tôi cho rằng muốn dân chủ phải có tranh cử, mà lâu nay chúng ta chưa làm được việc này. Cũng có người nói lâu nay ai muốn ứng cử, đề cử đều được cả, người nào muốn rút thì cho rút, thế là dân chủ. Có một thực tế, những người không nằm trong dự kiến đều xin rút và cuối cùng chỉ còn một ứng cử viên (dù có 2 ứng cử viên cho một chức danh thì cũng là quân xanh quân đỏ như dư luân thường nói). Như thế thì làm sao gọi là có dân chủ! Điều quan trọng phải là cách làm. Phải có tranh cử. Mỗi ứng cử viên phải có chương trình hành động và phải được cọ sát.
Nhân đây nói đến nội dung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cũng phải có cách làm, vì nếu chỉ đặt vấn đề ra nhưng vẫn thực hiện như các lần trước thì việc quy hoạch này sẽ khó mà có hiệu quả.
Toàn bộ hệ thống chính trị phải làm công tác dân vận
PV: Trong Hội nghị Trung ương lần này, cũng đặt ra vấn đề phải đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Ông đánh giá như thế nào về việc đặt vấn đề này trong tình hình hiện nay?
Ông Vũ Mão: Hội Nghị Trung ương lần này bàn công tác dân vận là rất cần thiết. Đây là vấn đề đang có nhiều bức xúc. Thời kỳ nào cũng vậy, chúng ta luôn nhận thức quần chúng nhân dân quyết định sự nghiệp của cách mạng. Trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường có nhiều điểm mới mà chúng ta cũng chưa hình dung hết được.
Công tác dân vận trong thời gian vừa qua nếu xét về mặt hình thức được coi trọng, ban hành được nhiều văn bản. Nhưng thực chất công tác dân vận, hay nói bản chất của vấn đề là lòng dân hiện có rất nhiều vấn đề. Lòng dân mà không yên, tâm tư của nhân dân còn nhiều vấn đề, nhiều nơi dân còn kiện cáo, bức xúc, như vậy là công tác dân vận có vấn đề.
Trong Hội nghị lần này, trên cơ sở xem xét, đánh giá thực trạng đã đưa ra những giải pháp mới. Công tác dân vận ở đây theo tôi là nằm trong mối quan hệ tổng hòa của toàn bộ xã hội. Nếu kinh tế không phát triển, tiêu cực tham nhũng nhiều, nhân dân nhiều nơi bị o ép ở, đất đai sản xuất bị mất thì không thể có nền tảng cơ bản của công tác dân vận. Phải tập trung giả quyết từ cái gốc ấy.
Lâu nay công tác dân vận có lẽ do chưa đi từ gốc. Công tác dân vận trong nhận thức, quan niệm của các cấp, các ngành chủ yếu giao cho bộ phận làm công tác dân vận. Nhưng như thế là chưa đủ, vì công tác dân vận là của tất cả các cấp, các ngành. Bây giờ thử hỏi các Bộ, ngành, đơn vị xem trong Chương trình công tác của họ có bàn tới công tác dân vận một cách sâu sắc không? Điều đó là hiếm!
Cho nên công tác dân vận phải thấm sâu và đi từ nền tảng gốc rễ của nó. Chẳng hạn Quốc hội thông qua một Luật, thì nội dung công tác dân vận ở trong Luật đó phải được làm rõ. Rồi các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ cũng cần thể hiện rõ nội dung công tác dân vận. Quan điểm công tác dân vận còn cần thể hiện ở chỗ, những vấn đề mà báo chí nêu lên, ý kiến của dân phản ánh thì cần tiếp thu và sửa nghiêm túc. Cho nên, theo tôi những cơ quan và người làm công tác dân vận là rất quan trọng nhưng chỉ là một phần. Họ giúp cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo, họ là người tập hợp, góp phần xây dựng cơ chế chính sách, còn toàn bộ hệ thống chính trị phải làm công tác dân vận. Vì thế, công việc sau Hội nghị là quan trọng, các cấp, các ngành cần bàn về công tác dân vận một cách thiết thực và phải có chương trình hành động.
Kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 phải sâu sắc hơn nữa
PV: Trong thời gian qua, hầu hết các nơi đã tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Nhưng theo nhận xét của cơ quan Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, thì hầu như các bản kiểm điểm cá nhân của đảng viên khá giống nhau về khuyết điểm. Vậy theo ông việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã đi vào thực chất hay vẫn mang tính hình thức?
Ông Vũ Mão: Nghị quyết Trung ương 4 rất hay, nội dung sâu sắc, nhưng theo tôi những biện pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì ngay trong Nghị quyết này cũng thiếu. Vì thế việc tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu. Ví dụ về vấn đề xây dựng Đảng, về công tác cán bộ. Muốn đáng giá cán bộ, kiểm điểm cán bộ thì cần nhìn nhận trên nhiều phương diện, nhưng vấn đề nổi lên là cán bộ có tham nhũng, tiêu cực không?
Một trong những vấn đề quan trọng để chống tham những là việc kê khai tài sản. Cho đến nay vẫn mang tính hình thức. Xu hướng của con người ta đều muốn kê khai ít để chứng tỏ mình liêm khiết, trong sáng. Người kê khai thì cứ kê khai, nhưng chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu có thì là tờ chứng nhận rất đại khái. Tôi cho rằng vấn đề kê khai tài sản chưa được làm rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 về tầm quan trọng và cũng không có một quy trình để kết luận thực chất người cán bộ đó có bao nhiêu tài sản.
Thứ hai là Nghị quyết Trung ương 4 có nêu tới vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng từ Trung ương đến các địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có một kế hoạch để triển khai. Chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng, quy trình và thủ tục ra sao, nhất thiết phải làm được việc đó.
Trong chất vấn và trả lời chất vấn, cái gì công khai, cái gì không công khai, cái gì có thể truyền hình trực tiếp cho dân biết. Tôi nói như vậy vì Điều 4 có nêu Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì nhân dân phải biết Đảng mình (người lãnh đạo mình) như thế nào. Vì thế theo tôi cũng phải tính tới một số buổi họp của Trung ương có tuyền hình trực tiếp cho nhân dân theo dõi.
Một vấn đề nữa là bên cạnh những chủ trương, quan điểm lớn của Nghị quyết Trung ương 4, những biện pháp để triển khai Nghị quyết còn ít. Nhiều nơi nói rằng, Nghị quyết Trung ương 4 đã giúp cho việc kỷ luật người này người kia. Cách nói như vậy là khiên cưỡng. Không có Nghị quyết Trung ương 4 thì những người như vậy vẫn phải kỷ luật. Bây giờ người ta đòi hỏi phải nghiêm khắc hơn, chặt chẽ hơn, công tội minh bạch, rõ ràng.
Vì thế, việc kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết phải sâu sắc hơn nữa thì Nghị quyết mới đi vào đời sống.
PV:Thưa ông, trong thời điểm kinh tế đang có nhiều khó khăn, việc nêu nội dung về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị trung ương 7 liệu có phù hợp?
Ông Vũ Mão: Đặt vấn đề về chống biến đổi khí hậu trong thời điểm hiện nay cũng rất cần thiết. Vì nói đến biến đổi khí hậu, phải nói thực chất môi trường sống của chúng ta đang có những biến động ghê gớm. Nói đến biến đổi khí hậu, chúng ta phải nói tới nước biển dâng. Ở nước ta, theo dự báo là sẽ ngập dần ở đồng bằng Sông Cửu Long - vựa lúa lớn của Việt Nam.
Nguyên nhân của việc biến đổi khí hậu là do tác động của con người, nhưng chúng ta chưa ý thức được việc đó. Theo tôi phải có một chiến lược. Và để chỉ đạo việc phòng chống biến đổi khí hậu, chúng ta cần xem xét lại việc tổ chức bộ máy (ví dụ như việc xắp xếp lại các bộ cho hợp lý), cần tập trung sức lực của những người có trí tuệ, có trình độ.
Nhưng lại trở lại vấn đề tôi đã nói ở trên, Hội nghị đưa ra quá nhiều vấn đề, e rằng sẽ không đủ độ sâu, độ tập trung để tìm ra các giải pháp thực hiện một cách hữu hiệu.
PV: Xin cảm ơn ông./.