Năm 2020 ghi nhận nhu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài lớn chưa từng có
VOV.VN -Chỉ riêng trong năm 2020, Việt Nam đã triển khai trên 260 chuyến bay chở 73.000 công dân từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trở về nước an toàn.
Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, tình hình thế giới, khu vực biến động hết sức nhanh chóng. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên thế giới cũng như ở khu vực và trong nước đã tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến chính trị, kinh tế và đặc biệt là đến sức khỏe của người dân. Trong tình hình như vậy, Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ kép, đó là vừa kiềm chế được đại dịch Covid-19, đồng thời vẫn giữ được môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí ngày 24/12 nhấn mạnh: “Đó là những thành tích hết sức lớn lao của đất nước trong năm 2020 và đó cũng là cơ sở hết sức thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các hoạt động đối ngoại chung trên thế giới của các nước đều bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, trong năm 2020 Việt Nam vẫn triển khai được các hoạt động hết sức quan trọng, cả về đối ngoại song phương lẫn đối ngoại đa phương”.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong năm qua, Việt Nam vẫn duy trì được quan hệ với các đối tác, không phải thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam như thông thường. Năm 2020, Việt Nam đã chuyển đổi hình thức, tăng cường trao đổi bằng điện đàm, qua trực tuyến với lãnh đạo cấp cao của các nước. Cụ thể, có 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với với lãnh đạo của hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như các nước trong khu vực.
Trong các cuộc điện đàm, những nội dung về tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước vẫn được triển khai. Đây là điểm hết sức đặc biệt vì thông thường hàng năm, các chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam cũng như Việt Nam ra các nước trung bình trong khoảng trên 10-20 cuộc, nhưng riêng năm 2020 vẫn triển khai được 33 cuộc điện đàm của các lãnh đạo cấp cao, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA) và đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cho đến thời điểm này, có thể nói là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vai trò Chủ tịch của ASEAN, của AIPA. Trong năm đầu tiên đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng thu được những kết quả hết sức cụ thể, đó là tiếp tục đưa được vai trò gắn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thích ứng với những biến động trên thế giới cũng như với khu vực và với từng nước.
Đồng thời, Việt Nam đã đóng góp vào giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tâm thế một nước có tiếng nói, với vai trò là đại diện của các nước đang phát triển cũng như các nước trung bình và nhỏ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Về hội nhập kinh tế, trong năm 2020, Việt Nam thúc đẩy và thông qua phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và thúc đẩy cùng các nước để ký kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong năm 2020, một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng mà đối ngoại đã phải thực hiện, đó là bảo hộ công dân trong tình hình mới khi Covid-19 xảy ra. Năm nay ghi nhận nhu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài lớn chưa từng có. Số lượng các cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gần 200% trong năm 2020. Điều đó nói lên là nhu cầu bảo hộ công dân bên ngoài rất lớn, nhưng điểm lớn nhất đó là việc trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít các nước đã có các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước.
Chỉ riêng trong năm 2020, Việt Nam đã triển khai trên 260 chuyến bay chở 73.000 công dân từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trở về nước an toàn. Đó là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong năm 2020, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện. Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến việc phóng viên nước ngoài vào Việt Nam đưa tin, bài quảng bá về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nhưng trong tình hình đó, báo chí của Việt Nam, báo chí đối ngoại đã tiếp tục quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua một phương thức mới, đó là nền tảng số. Qua nền tảng số, có thể nói Việt Nam đã vươn xa so với trước đây trên những nền tảng thông thường, nền tảng số đã hỗ trợ cho việc quảng bá Việt Nam tăng lên rất nhiều.
Nhiệm vụ trọng tâm, định hướng của đối ngoại Việt Nam năm 2021
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm, định hướng của đối ngoại Việt Nam trong năm 2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, dự báo tình hình thế giới và khu vực năm 2021 sẽ tiếp tục biến động, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Đó là những thách thức đối với tất cả các nước và đối với Việt Nam. Tuy vậy, đi kèm với thách thức vẫn có rất nhiều cơ hội, đó là xu thế hòa bình, xu thế mong muốn hòa bình tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang phát triển, trong đó kinh tế số những vấn đề liên quan đến công nghệ cao là cơ hội phát triển không chỉ về kinh tế xã hội mà còn tạo ra những phương thức hoạt động mới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: “Với tình hình như vậy, đối ngoại của chúng ta trong năm 2021 sẽ tiếp tục với việc củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, các nước láng giềng.
Thứ hai, Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động của chúng ta ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng đồng thời trong ASEAN, chúng ta phải làm sao phát huy được những kết quả của năm Chủ tịch vừa qua, tiếp tục duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, những nội dung của ASEAN trong năm 2020.
Thứ ba, Việt Nam đã tham gia, đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Vì vậy phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã mang lại. Đó là nhiệm vụ chung cho tất cả tất cả các bộ, ngành không phải chỉ riêng của ngành đối ngoại.
Thứ tư, nhưng có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước. Đó là mục tiêu hết sức lớn lao, xuyên suốt.
Cuối cùng, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác bảo hộ công dân cũng sẽ là một trọng tâm của ngành ngoại giao trong thời gian tới”./.