Ngành Xây dựng đảo đảm yêu cầu phát triển hạ tầng đô thị

Bên cạnh đó, ngành Xây dựng cần phải có nhiều đóng góp thiết thực vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chiến lược 10 năm tới của đất nước

Sáng 17/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội thi đua yêu nước ngành Xây dựng lần thứ 3. Gần 1.000 đại biểu đại diện cho cho ngành xây dựng trong cả nước về dự đại hội.

Trong 5 năm qua, kể từ Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 2 đến nay, các phong trào thi đua yêu nước trong ngành xây dựng đã có những đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước. Ngành đã tập trung hơn cho công tác xây dựng hệ thống các thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển xây dựng theo hướng ngày càng đồng bộ, hoàn thiện.

Các đạo luật mới mà ngành tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành gần đây như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị là những đột phá về cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Công tác quản lý phát triển đô thị cũng từng bước đi vào nề nếp, hệ thống đô thị phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều chương trình phát triển nhà ở xã hội mà ngành xây dựng triển khai đã tạo bước đột phá trong phát triển nhà ở, góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở và cải thiện đời sống nhân dân…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Bộ Xây dựng và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của ngành xây dựng.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng nỗ lực hơn nữa, quyết tâm khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chiến lược 10 năm tới, trong đó yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ có nhiều công trình hiện đại là một khâu đột phá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Phải đặt mục tiêu phát triển ngành xây dựng Việt Nam đến năm 2015 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; tăng nhanh năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; tập trung nguồn lực phát triển mạnh và nâng cao chất lượng công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo thiết bị xây dựng, đi đôi với việc áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng; phấn đấu phát triển nhanh khả năng thực hiện các dự án quy mô lớn với yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như: công trình ngầm, các công trình nhiệt điện, cầu nhịp lớn; hình thành hệ thống đô thị phù hợp trên địa bàn cả nước với kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về xây dựng, nhất là nghiên cứu đổi mới căn bản cơ chế quản lý đầu tư xây dựng gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, bảo đảm tính kết nối liên thông giữa các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị; chú trọng kiểm soát bảo đảm yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm từng bước giải quyết dứt điểm những vấn đề đang rất bức xúc như úng ngập, thoát nước đô thị, ùn tắc giao thông, xử lý rác, chất thải, sử dụng hiệu quả không gian ngầm.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau khi Đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội được phê duyệt, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để quản lý và thực hiện tốt quy hoạch này.

Thủ tướng chỉ đạo ngành xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên; đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp có phẩm chất tốt, chấp hành đúng pháp luật, có năng lực kinh doanh trong kinh tế thị trường; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu và thiết bị xây dựng đáp ứng nhu cầu trong nước...

Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành xây dựng tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, cụ thể hóa các nội dung thi đua thành kế hoạch, chương trình, hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng và của toàn ngành nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên