Cán bộ, công chức ngại “va chạm”

Hầu hết các vụ tham nhũng đều không được phát hiện từ nội bộ cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân chính là do tâm lý an phận của cán bộ, công chức

Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về các báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tham nhũng.

Đa số ý kiến đều cơ bản đồng ý với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều về thành tích đã đạt được của các Bộ, ngành và địa phương, mà chưa đánh giá một cách toàn diện và chưa chỉ rõ những mặt yếu kém.

Cán bộ, công chức thích… an phận

Một vấn đề mà nhiều đại biểu và dư luận rất quan tâm là hầu hết các vụ tham nhũng chưa được tự phát hiện từ nội bộ các cơ quan, đơn vị. Đa số các vụ tham nhũng đều được phát hiện từ các nhân tố bên ngoài, chủ yếu là qua báo chí. Chỉ khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc thì công chức các cơ quan, đơn vị đó mới dám nói lên sự thật.

Các đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), Lê Thị Dung (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này là do những nhân tố bên trong đang tồn tại trong tâm lý, ý thức của mỗi cán bộ công chức, trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận lại và cần có biện pháp xử lý. Những nhân tố bên trong có nhiều, nhưng vấn đề mà các đại biểu đưa ra bàn thảo là “tâm lý an phận” của một số đông cán bộ công chức. Hiện tượng nói dối trong quan hệ công tác, sinh hoạt ở cơ quan, hiện tượng chạy chức chạy quyền, đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận cán bộ, công chức và những người có chức, có quyền. Các hiện tượng tâm lý có ý thức này đang diễn ra âm ỷ bên trong từng con người, từng tổ chức, cơ quan, tạo ra lực cản rất lớn bao che cho tham nhũng, giảm động lực đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Những gì xảy ra trong cơ quan đơn vị thì quần chúng đều biết, nhưng do tâm lý ngại va chạm, do “đồng tiền gắn liền với khúc ruột” nên họ không sẵn sàng đấu tranh phát hiện, tố cáo. Tình trạng trong sinh hoạt cơ quan, đoàn thể thì mang tính hình thức, dĩ hoà vi quý, dẫn đến hiện tượng nói dối, trong cuộc họp nói một đường, ra ngoài lại nói khác là khá phổ biến hiện nay. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền của một bộ phận công chức là rất đáng quan ngại. Các đối tượng này là mầm mống, bạn đường của tham nhũng, họ không bao giờ muốn chống tham nhũng”- Ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) cũng là bức xúc của nhiều đại biểu Quốc hội.

Xử lý tham nhũng: “Giơ cao, đánh khẽ”

Đại biểu Sùng Thị Chư (Yên Bái) và đa số đại biểu đều nhận định: Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn chưa được đẩy lùi, còn nhiều diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của nhân dân. Điển hình như một số vụ án tham nhũng lớn lúc đầu được các cơ quan thông tin đại chúng nêu lên rất rầm rộ, nhưng đến khi xử lý thì các tội danh đó lại không lớn.

Việc xử lý nhiều vụ án tham nhũng, nhất là những vụ án nghiêm trọng được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tập trung chỉ đạo, tiến hành còn chậm, gây bức xúc trong dư luận như vụ Thiên Lợi Hòa, Lào Cai (khởi tố ngày 12/9/2006); vụ Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (khởi tố ngày 07/6/2007); vụ đất đai ở Quán Nam, Hải Phòng (khởi tố ngày 03/5/2007); vụ Đề án 112 (khởi tố ngày 13/9/2007)… đặc biệt là 02 vụ án còn lại trong 08 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung giải quyết từ năm 2006 (khởi tố vụ án từ năm 2005) và 2 vụ án tách ra từ vụ PMU 18 nhưng cho đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. Tình trạng này cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân về nhiều mặt như việc tổ chức thực hiện, năng lực và trách nhiệm cán bộ, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng....

Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Bùi Thị Bình (Hoà Bình), Lê Thị Dung (An Giang), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cho rằng, tất cả án tham nhũng dù lớn hay nhỏ phải được Ban chỉ đạo cho ý kiến điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh, công khai rộng rãi trong nhân dân. “Không nên phó mặc cho các cơ quan điều tra, xét xử, báo cáo lại kết quả cho Ban chỉ đạo địa phương biết, sau đó tập hợp để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương. Như vậy việc xét xử dễ bị nương nhẹ, xử lý hành chính là chủ yếu, xử lý hình sự ít, điều đó càng gây thêm bức xúc trong nhân dân”- Đại biểu Vi Trọng Lễ đề nghị.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã nghe các báo cáo của Chính phủ  về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tham nhũng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên