Nghị quyết Đại hội XIII: Cần hiểu "đột phá thể chế" thế nào cho đúng?
VOV.VN - Để có được đột phá về thể chế, trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới chuyển đổi mạnh mẽ và dứt khoát sang kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược đó là đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Vậy đột phá về thể chế trong Nghị quyết lần này có gì mới hơn so với các Đại hội trước và cần thực hiện đột phá này như thế nào để thực sự tạo ra thể chế đảm bảo cho sự phát triển triển nhanh và bền vững?
Theo nhiều chuyên gia, Văn kiện, Nghị quyết Đại hội XIII vẫn chọn 3 đột phá chiến lược đã được xác định trong Đại hội XI và Đại hội XII đó là đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đột phá về phát triển hạ tầng, nhưng nội hàm của 3 đột phá chiến lược này có những điểm mới hơn. Đối với đột phá về thể chế, nhấn mạnh đến các thể chế phân bổ nguồn lực và thị trường, nhấn mạnh thể chế khuyến khích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các thế chế để thúc đẩy những nhân tố sản xuất và các thể chế thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số…
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc tiếp tục lựa chọn 3 đột phá chiến lược để phát triển, trong đó có đột phá về thể chế với đổi mới bên cạnh hoàn thành thể chế kinh tế thị trường hiện đại hội nhập thì phải gắn với hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước minh bạch, chuyên nghiệp dựa trên thực tài của cán bộ công chức và luật lệ phù hợp với đòi hỏi mới nhất, đó là đòi hỏi về dân chủ và đổi mới sáng tạo.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên tổ tư vấn về cải cách kinh tế của Chính phủ, nhận định, các đột phá mà Đại hội XIII đưa ra thì đột phá về thể chế là quan trọng. Để có được đột phá về thể chế thì rất nhiều việc phải làm nhưng trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới chuyển đổi mạnh mẽ và dứt khoát sang kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, khuyến khích tối đa việc thực hiện theo cơ chế thị trường, khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực…
Ông Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, trong xây dựng thể chế cần chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, đưa ra các quy phạm pháp luật với yêu cầu khá cao về trách nhiệm thực thi và chế tài áp dụng đối với các chủ thể- nhất là cán bộ công chức và cơ quan công quyền để tạo lập được ý thức tuân thủ nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và các bên liên quan để chúng ta có thể là bứt phá.
"Tôi cho rằng nội hàm của cải cách thể chế chính sách lần này là phải thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ, dứt khoát sang một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế… Trọng tâm của đột phá thể chế lần này là phát triển các loại thị trường, nhân tố sản xuất để cho các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, đồng thời với đó chính là nguồn lực của Nhà nước mà trước hết là đầu tư công sẽ được phân bổ, sử dụng theo nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm được điều này chúng ta sẽ thành công", nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích thêm.
Giáo sư, tiến sỹ Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Đảng ta xác định nhân dân là chủ thể của sự sáng tạo phát triển, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Vì vậy để có được những đột phá về thể chế thực sự, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng hoàn thiện các chính sách, thể chế pháp luật thúc đẩy những nhân tố sản xuất và quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, huy động nguồn lực tối đa cho sự phát triển, chúng ta cũng phải tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật (mà cơ bản là hệ thống Luật) về kiểm soát quyền lực có hiệu quả và hệ thống thể chế pháp luật có chất lượng, đảm bảo thực hiện tối đa quyền con người, quyền công dân.
Tại Nghị quyết đại hội XI, XII và Nghị Quyết Đại hội XIII, Đảng ta đều xác định, xây dựng các thể chế phù hợp là một trong các tiền đề cho phát triển kinh tế. Chất lượng thể chế không chỉ là mục đích mà là điểm đột phá trong chính sách phát triển. Muốn thúc đẩy phát triển, cần bắt đầu từ xây dựng các quan niệm thể chế phù hợp, hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, nhấn mạnh tới sự tham gia của người dân, tăng trách nhiệm giải trình, tăng tính tuân thủ pháp luật, tăng hiệu quả ban hành các chính sách và thực thi các chính sách của chính quyền./.