Người dân vẫn phải đi lại nhiều lần làm dịch vụ công
VOV.VN - Tất cả các tỉnh, thành còn tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần; 62/63 tỉnh, thành trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, có công chức gây phiền hà.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ cải cách hành chính (CCHC) năm qua bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những hạn chế cần phải thay đổi, nhất là đứng trước thời điểm kết thúc giai đoạn tổng thể CCHC 2011-2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình |
“Năm 2020 vừa là mốc kết thúc vừa là khởi đầu cho giai đoạn mới về CCHC rồi, không thể để tình trạng một công văn, văn bản giữa hai cơ quan tầng trên, tầng dưới mà phải mất mấy ngày mới có thể đến được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước 5 năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hàng các bộ, cơ quan ngang bộ về CCHC, tuy nhiên đơn vị này vẫn cần cải thiện hơn nữa công tác CCHC bởi đâu đó vẫn còn những ý kiến của người dân, tổ chức trong việc khó khăn tiếp cân các gói tín dụng, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay.
Theo báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), 63/63 tỉnh, thành phố vẫn để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần; 62/62 tỉnh xảy ra việc cơ quan trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; Toàn bộ 62 tỉnh trễ hẹn trả két quả đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức, trong đó có một tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào và sáu tỉnh không thực hiện bất kỳ xin lỗi nào.
SIPAS 2019 cũng cho thấy 62/63 tỉnh, thành có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh, thành có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Chỉ số SIPAS 2019 của 63 tỉnh nằm trong khoảng 73,81-95,26%; trong đó, tỉnh Quảng Ninh có chỉ số cao nhất là 95,26% và tỉnh Bình Thuận có chỉ số thấp nhất là 73,81%, chênh lệch lệch lên tới 21,45%.
Đáng chú ý, năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017.
Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính (TTHC) là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%.
SIPAS 2019 được tiến hành dựa trên điều tra xã hội hóa với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh trong cả nước là 36.630 phiếu, mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước./.