Người Mỹ nói về sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
VOV.VN - David Lamb, phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ UPI: “Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi là không hiểu người Việt Nam".
40 năm đã trôi qua nhưng thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Mỹ. Vì sao một cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới lại không thể khuất phục một nước Việt Nam bé nhỏ, nghèo nàn và vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp? Nhiều lý do được đưa ra nhưng một yếu tố mà người Mỹ không thể không nhắc đến là ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Với hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử quân sự Mỹ tại trường Đại học George Washington, Giáo sư Ronald Spector nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam như một dấu mốc lớn trong lịch sử nước Mỹ, một bước ngoặt thay đổi mối quan hệ giữa người dân với chính phủ Mỹ cũng như quan điểm của người dân Mỹ về Chiến tranh lạnh vốn được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến Mỹ can dự vào Việt Nam. Theo Giáo sư Spector, cho đến giờ thì thất bại tại cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt ngay trong nội bộ nước Mỹ.
Từng tham chiến ở Việt Nam trước khi chuyển sang nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Spector đã trực tiếp đối mặt với những người phía bên kia chiến tuyến để từ đó đưa ra những lý giải về thất bại của Mỹ.
“Nhiều người trong Chính phủ cũng như báo giới Mỹ đều kỳ vọng rằng sự can thiệp của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam sẽ dẫn đến một thắng lợi chớp nhoáng hoặc chí ít là buộc quân đội Bắc Việt Nam lùi bước. Nhưng phía Mỹ đã đánh giá thấp Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara khi đó từng tuyên bố nếu chúng ta cho đối phương thấy được rằng họ không thể chiến thắng thì họ sẽ bỏ cuộc. Nhưng miền Bắc đã không bỏ cuộc. Tôi cho rằng Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị Việt Nam khi đó nhận định rằng một khi Mỹ nhận thấy quyết tâm chiến đấu của miền Bắc thì họ sẽ nản lòng. Và đúng là phía Mỹ đã nản lòng”, Giáo sư Ronald Spector cho biết thêm.
Cũng như Giáo sư Spector, những quân nhân Mỹ trực tiếp tham chiến chính là những người hiểu cuộc chiến và đối thủ hơn ai hết. Cựu Đại tá Mỹ Andres Sauvageot đã ở Việt Nam 9 năm trong thời kỳ chiến tranh trong vai trò cố vấn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Là một quân nhân chuyên nghiệp, ông sang Việt Nam theo mệnh lệnh của cấp trên nhưng không hề biết chút gì về lịch sử Việt Nam, không hề biết rằng Việt Nam là nạn nhân của các cuộc xâm lược từ Trung Quốc, Pháp, Nhật rồi Mỹ.
“Đáng lẽ Tổng thống Nixon phải rút quân khỏi Việt Nam sớm hơn. Pháp hay Mỹ đều phải viễn chinh đến một đất nước xa xôi trong khi người Việt Nam chiến đấu ngay trên chính đất nước của họ vì độc lập, tự do của chính họ. Đây là sự khác biệt, nhất là khi Việt Nam có những con người anh dũng, yêu hòa bình, ghét chiến tranh nhưng nếu bị xâm lược, cho dù kẻ đó là ai, Trung Quốc, Nhật, Pháp hay Mỹ thì cuối cùng những kẻ đó cũng đều thất bại. Nếu sinh ra ở Việt Nam, tôi cũng sẽ đứng về phía cách mạng, sẽ không chấp nhận bất kỳ kẻ ngoại xâm nào”, ông Andres nói.
Việc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam cũng có đóng góp không nhỏ của các phóng viên chiến trường quốc tế, nhất là các nhà báo Mỹ. Với những bài viết, hình ảnh chân thực từ nơi chiến sự, họ đã giúp người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tại Việt Nam, tạo nên sức ép công luận buộc chính phủ Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh.
Ông David Lamb, phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ UPI nhớ lại: “Trước khi đến Việt Nam, về cơ bản tôi ủng hộ chiến tranh, cho rằng đó là điều Mỹ nên làm, tức là chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Chúng ta nên đặt những suy nghĩ của tôi trong bối cảnh thời gian vì khi đó đang là thời kỳ Chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng kết thúc cách đó chưa lâu. Nhưng trong 2 năm ở Việt Nam, quan điểm của tôi đã hoàn toàn đảo ngược. Tôi nhận ra rằng đây là cuộc chiến mà Mỹ sẽ không thể chiến thắng, cuộc chiến mà đáng lẽ Mỹ không nên tham gia.”
“Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi là không hiểu người Việt Nam, không hiểu lòng kiên nhẫn, sự ngoan cường, chủ nghĩa dân tộc, khả năng chiến đấu, lịch sử, văn hóa, và ngôn ngữ của các bạn. Đối với thắng bại trong chiến tranh thì đó là sự thiếu hiểu biết chết người. Tôi ước rằng Mỹ đã có thể rút ra được bài học kinh nghiệm từ Việt Nam nhưng đáng tiếc là chúng tôi lại sa vào cuộc chiến tại Iraq, một thảm họa không khác cuộc chiến tranh Việt Nam”, David Lamb nhấn mạnh./.