Nguyên Bí thư Hà Giang “trăn trở” chuyện “gia đình làm quan“
VOV.VN -Ông Triệu Tài Vinh: "Đánh giá cán bộ luôn là khâu khó nhưng không phải không có cách làm và có mạnh dạn làm hay không"
Tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Tạp chí Cộng sản và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tổ chức sáng 25/9, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã có phần tham luận thu hút quan tâm của báo chí. Ông Vinh dành nhiều thời gian để nói sâu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, đặc biệt trong tình hình hiện nay với tư cách là người từng lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Giang.
Ông Triệu Tài Vinh tham luận tại Hội thảo |
Không được quy hoạch cán bộ chiến lược, ông Vinh chỉ được tham dự lớp bồi dưỡng Ủy viên Trung ương Đảng trong có 4 ngày. Ông đã từng có tâm lý khi đang học thì muốn nghỉ sớm nhưng khi ra ngoài làm rồi lại muốn được đi học thêm.
Ông Vinh cho rằng, trong điều kiện thực tiễn hiện nay, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là đổi mới công tác cán bộ để đối mặt với những thách thức lớn hiện nay, như tình trạng suy thoái, "tự diễn biến, tự chuyển hoá", cuộc cách mạng 4.0, là những vấn đề phi truyền thống, kể cả vấn đề an ninh và lãnh thổ, cũng như những nguy cơ thách thức khác.
Theo Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, vấn đề lớn nhất kể từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đó là công tác nhận xét, đánh giá cán bộ. Đây là vấn đề khó, phải đánh giá thế nào cho đúng, cho trúng mà lại xuyên suốt. Rất nhiều cán bộ đánh giá ban đầu rất đúng nhưng sau này không đảm bảo tính thường xuyên, liên tục.
Dẫn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, rằng, “cán bộ giữa nghĩ và nói, giữa nói và làm có đồng bộ không, giữa nói và nghĩ là khó quản lý, nhưng giữa nói và làm có thể quản lý được”, ông Vinh bày tỏ: “Từ tư duy đó đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, tôi nghĩ phải định tính và định lượng trong vấn đề đánh giá, nhận xét cán bộ. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Định lượng là phải đo đếm được, định tính là nhận xét được tư tưởng của con người đó và phải đổi mới cách nhận xét, chỉ ra được thế nào là "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong mỗi một cán bộ”.
Thực tế tại Hà Giang, ông Vinh cho biết, đã có quy định về hướng dẫn xây dựng chương trình hành động cá nhân. Phải làm như thế, vì nói một cách thẳng thắn, mỗi tổ chức đảng, mỗi cá nhân đảng viên khi nhận xét cuối năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức đảng đều đạt trong sạch, vững mạnh nhưng chi bộ đảng nông thôn vùng nghèo vẫn cứ nghèo. Điều đó có nghĩa giữa chính trị và kinh tế không đồng bộ.
“Phải tư duy như thế nên chúng tôi hướng dẫn đảng viên trong chi bộ tùy từng đặc thù, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tham mưu xây dựng đảng, trong lực lượng vũ trang hoặc đảng viên ở nông thôn… để đặt ra từng nội hàm. Nếu anh nằm ở một tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì dứt khoát phải có sự thay đổi về kinh tế. Từ đó chúng tôi hướng dẫn xây dựng chương trình hành động của Bí thư, Ban Chi ủy, Đảng bộ trực thuộc. Các anh tự xây dựng chương trình hành động cá nhân sau đó cả tập thể xây dựng lại, góp ý kiến lĩnh vực của anh năm qua có những vấn đề này, chúng tôi nghĩ anh nên nhận mức này. Tập thể thoải mái góp ý. Đây là thực tiễn về đổi mới nhận xét cán bộ, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên mà Hà Giang đã làm”, ông Vinh cho biết.
Còn kinh nghiệm về “định lượng”, ông Vinh cho rằng, Hà Giang đã thực hiện việc chấm điểm dựa vào 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá mà Trung ương Đảng đã chỉ ra. Trong số 27 biểu hiện đó dứt khoát ai cũng có. Khi thí điểm, Bí thư tự chấm trước, tự chấm cho mình. Sau khi chấm xong có thể chấm lại, chấm đến khi nào thống nhất mới đưa ra tập thể xem xét. Kết quả là không ai không thấy mình trong bản danh sách 27 biểu hiện đó, chỉ là mức độ khác nhau ra sao.
Ông Vinh bộc bạch: “Ban đầu làm việc này thấy nó nhạy cảm chứ không khó làm. Thời điểm tôi làm Bí thư, trong Thường vụ toàn cán bộ vai cha, chú, từng làm việc với cụ thân sinh ra tôi, rất ngại nhận xét, đánh giá, nên nếu không có quy định, không có đề án rất khó làm việc. Khi đó chúng tôi nghĩ phải chấm mức độ quyết liệt và ra hẳn đề án về việc này, với các yếu tố quyết liệt, thường xuyên và hiệu quả. Kết quả có sự thay đổi rất rõ”.
Ông Vinh cho rằng, đánh giá cán bộ luôn luôn là khâu khó nhưng không phải không có cách làm và có mạnh dạn làm hay không. Cái thí điểm cho một nơi chưa chắc đã tốt với một nơi khác. Đưa ra hội thảo để thấy được sự mạnh dạn, quyết tâm làm.
Ông Triệu Tài Vinh cho rằng, đánh giá cán bộ luôn luôn là khâu khó nhưng không phải không có cách làm và có mạnh dạn làm hay không. |
Vì thế, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ cần phải phát huy được các nhân tố: phải biết lựa chọn được vấn đề của địa phương mình, cơ quan mình. Hà Giang là một tỉnh khó khăn nhất nước, quy mô nền kinh tế nhỏ nhất, thoát khỏi chiến tranh biên giới muộn nhất nhưng chính trị Hà Giang ổn định vì “sức đề kháng” của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt.
“Biết lựa chọn để xây dựng sức đề kháng của hệ thống chính trị với một Bí thư là điều quan trọng. Khi đánh giá cán bộ phải biết phát huy nhân tố đó”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ quan điểm.
“Tôi nói như vậy, nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện câu chuyện “gia đình làm quan” nóng trên Facebook thời điểm năm 2013 và câu chuyện gian lận thi cử vừa rồi. Nhưng cá nhân tôi xác định phải đối mặt với nó và phải vượt qua nó. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là việc đánh giá một con người thì phải phát huy được nhân tố đã nói ở trên”, ông Vinh bộc bạch.
Nhân tố thứ hai theo ông Vinh là những người phải biết tổ chức thực hiện bằng những đề án cụ thể. “Khi còn là Ủy viên dự khuyết, ông Trương Tấn Sang là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đến công tác ở Hoàng Su Phì, vào thăm trường thiếu nhi, nơi tôi đã học từ lớp 1 đến lớp 4 có nói trường này phải có nhiều Triệu Tài Vinh hơn. Câu nói đó là một sự động viên đối với tôi. Ông Trương Tấn Sang lúc đó còn hỏi, là Ủy viên dự khuyết rồi, cháu sẽ làm gì. Tôi trả lời: Báo cáo bác, cháu tập trung làm các đề án, cụ thể hóa bằng đề án và tổng kết bằng đề án chứ không chung chung”, ông Vinh nhớ lại.
Và nhân tố thứ ba, phải biết lựa chọn những con người biết khích lệ hành động; phải có nhãn quan nhạy cảm với thực tiễn; phải biết cách tiếp cận với những vấn đề của thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường.
Cuối cùng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, theo ông Vinh phải đánh giá được vai trò của người đứng đầu. Thực tế là rất khó để đánh giá nhưng trong cái khó đó sẽ có những hành vi cụ thể minh chứng người đứng đầu tư duy đúng. Minh chứng bằng việc phát huy không khí dân chủ trong tập thể thông qua việc bỏ phiếu, ông Vinh cho rằng, nếu người đứng đầu không phát huy hiệu quả của lá phiếu mà chỉ giơ tay, hiệp thương thôi thì rất khó phát huy tinh thần dân chủ./.
Cảnh tỉnh, răn đe những ai đang “lăm lăm” ý định chạy chức, chạy quyền
Toàn văn Quy định về việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền