“Nguyễn Thanh Hóa làm ảnh hưởng tới uy tín của lực lượng Công an“
VOV.VN - Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông Nguyễn Thanh Hóa đã làm ảnh hưởng tới uy tín của lực lượng Công an nhân dân, khiến nhiều người cảm thấy bất bình.
Răn đe những người đã và sắp “nhúng chàm”
Nghe thông tin cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, để điều tra vì liên quan đến đường dây đánh bạc với quy mô hàng ngàn tỉ đồng, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết, ông và nhiều người khác rất trăn trở, bất bình.
Vui sao được khi đồng chí mình, đặc biệt là một cán bộ cao cấp được tôi luyện, thử thách qua nhiều vị trí công tác, là khắc tinh của tội phạm nhưng cuối cùng lại sa ngã ngay chính lĩnh vực được Đảng và Nhà nước giao phó.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. |
Cuộc đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng đã được phát động từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Với việc đưa ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam, tước danh hiệu Công an nhân dân đối với một cán bộ từng là Thiếu tướng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của cơ quan bảo vệ pháp luật; đã rất kịp thời, sáng suốt, chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng, đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo người dân là phải đặt vấn đề kỷ luật cán bộ một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, đúng với những lỗi lầm sai phạm mà người đó mắc phải.
“Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, không chỉ ông Hóa mà còn nhiều người liên quan tới vụ việc này, không được bỏ sót bất kể trường hợp nào và phải công khai để giáo dục, răn đe những người đã và sắp nhúng chàm cần sớm tự gột rửa” – ông Lê Văn Cương cho biết thêm.
“Vụ này không phải xảy ra trong một đêm mà đã xảy ra trong nhiều năm, cho thấy hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta có vấn đề. Bộ máy khổng lồ giám sát quyền lực ở đâu mà không phát hiện ra” – Tướng Cương nói và nhấn mạnh sau vụ việc ông Nguyễn Thanh Hóa và nhiều vụ việc khác cần rút ra bài học sâu sắc về kiểm soát quyền lực, bố trí cán bộ, đặc biệt là giám sát kiểm tra hoạt động cán bộ, sỹ quan.
Vì môi trường hoạt động của lực lượng công an nhân dân rất đặc thù, luôn đối mặt với tội phạm để giữ gìn bình yên cho người dân. Nhưng môi trường này rất dễ bị cám dỗ bởi ma lực của đồng tiền, bất kể người nào không có bản lĩnh đều có thể bị sa ngã, nên việc giám sát hoạt động của cán bộ, sỹ quan công an là đặc biệt quan trọng, không được chủ quan, lơ là.
Vụ án cần làm tới cùng, kỷ luật đúng người đúng tội
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược – Bộ Công an nhấn mạnh: “Con người, ai cũng có nhu cầu đảm bảo cuộc sống và lòng ham muốn của con người là vô tận, chỉ khác nhau ở điểm dừng. Nếu đại đa số dừng lại ở phạm vi luật pháp cho phép, thì con người này (Nguyễn Thanh Hóa – PV) đã không vượt qua được điểm dừng, vượt qua luật pháp, các chuẩn mực đạo đức pháp lý nên mới trở nên sa ngã như vậy. Vấn đề này không chỉ riêng Việt Nam mà ở toàn cầu và cũng không chỉ riêng lực lượng công an”.
Ngày 11/3, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Thanh Hóa. (Ảnh: KT) |
Theo dõi thông tin bắt ông Nguyễn Thanh Hóa trên các phương tiện thông tin, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X cảm thấy rất buồn lòng. Theo ông, đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, ở nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng Công an, gây bất bình trong dư luận.
Thực tiễn cho chúng ta một kinh nghiệm quý giá đó là cái gì được lòng dân, thuận lòng dân, được nhân dân đồng tình thì cái đó chính là lẽ phải, là đạo lý. Đúng như Bác nói: Phục tùng nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất. Chính vì vậy, việc công khai kết luận điều tra, bắt tạm giam một cán bộ cấp cao của lực lượng Công an nhân dân cho thấy cơ quan bảo vệ pháp luật không né tránh, siết chặt kỷ cương kỷ luật, trách nhiệm và chế tài để đảm bảo quyết tâm chính trị từ cấp cao trở thành hành động cách mạng ở bên dưới và hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra sức mạnh mới trong Đảng, trong dân.
“Tham nhũng, rửa tiền đã nghiêm trọng rồi, ở đây còn đặc biệt nghiêm trọng hơn là dùng công nghệ thông tin, mạng internet để đánh bạc. Bất kỳ ai vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh để thượng tôn pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia” – ông Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh thêm./.
Ngày 11/3/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 04 tháng đối với Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an về tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Khởi tố Nguyễn Thanh Hóa: Chống tham nhũng một cách mạnh mẽ, bài bản