Nhà báo Mỹ John Hess muốn nghe kể về đường Trường Sơn

VOV.VN - Nhà báo Mỹ John Hess chỉ tiếc là chưa một lần được đặt chân lên đường Trường Sơn huyền thoại. 

Sáng 19/5/2002, tại ngôi nhà số 145, phố W, thành phố New York. Trời cao xanh, nắng nhạt, rét cũng nhạt. Trong căn phòng hơn vài chục mét vuông, ông Jonn Hess, nhà báo Mỹ - người rất có cảm tình và ủng hộ Việt Nam, ở tuổi 80 cùng vợ tiếp đoàn nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam trong bữa ăn sáng đạm bạc, bánh mỳ và cà phê. Ăn uống thanh đạm mà câu chuyện lại đậm chất thế sự và báo chí, văn chương.

Bộ đội công binh đoàn 29 tham gia mở đường Trường Sơn (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Nhà báo lão thành John Hess tâm sự, trong cuộc đời làm báo của ông có hai ấn tượng lớn về Việt Nam. Một là được dự và đưa tin, bình luận về Hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, hai là cùng nhà báo Mỹ khác nói rõ sự thật Sơn Mỹ. Ông chỉ tiếc là chưa một lần được đặt chân lên đường Trường Sơn huyền thoại. Tôi nói nhỏ: đã đi trên con đường ấy. Ông John à lên một tiếng thật to, đặt tay lên vai tôi lắc nhẹ: “Anh kể đi, nhiều vào, vợ chồng tôi muốn nghe.”

Tôi kể từ năm 1959, bắt đầu lặng lẽ, bí mật bổ nhát cuốc đầu tiên làm nên con đường dài mười bảy ngàn cây số cho đến năm 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam. Ông John ngạc nhiên đến khó tin, bắt tôi nhắc lại con số gần nửa vòng trái đất ấy. Không những thế, bên cạnh con đường bộ là đường ống xăng dầu dài 1400 cây số, hàng vạn cây số đường giây thông tin và trên trời là làn sóng phát thanh, như “dòng sông trên cao” ngày ngày, đêm đêm cỗ vũ đoàn quân ra trận. Tất cả gặp nhau ở một tên gọi thiêng liêng -  đường Hồ Chí Minh.

Tôi kể hết sự kiện này đến việc khác. Nhà báo già hết ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Thay lời cảm ơn, ông tặng tôi cuốn sách “11/9” mới tinh, ghi lại các câu hỏi của nhà báo và trả lời của chính khách, nhà báo, nhà văn, người dân nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới về sự kiện khủng bố bằng máy bay san phẳng tháp đôi thương mại, chấn động nước Mỹ, rúng động thế giới. Ông bình luận: 11/9 là kinh hoàng và đau đớn. Đường Trường Sơn của Việt Nam là sự đối đầu khủng khiếp giữa xây dựng và tàn phá.

Có nhiều điều tôi chưa nói với nhà báo già John Hess là mùa thu năm 1972, tôi cùng đồng nghiệp leo qua đỉnh 1001 và 1800 mét. Buổi sáng ở chân núi nắng chang chang, quá trưa mới lên đỉnh, mây mù phủ kín và tối mịt mới xuống chân núi bên kia. Con đường ngoằn nghoèo, chênh vênh vách đá tai mèo được bộ đội công binh và thanh niên xung phong mở lối, làm từng bậc thang, đặt từng giàn để gùi, ba lô lúc nghỉ chân, lấy sức.

Hàng chục ngàn cây số đường Trường Sơn được làm như thế bằng bàn tay và lòng quả cảm của hàng chục vạn người, hầu hết là trẻ tuổi. Có lần tôi đi viết phóng sự về một đơn vị nữ thanh niên xung phong bảo vệ ngầm cho xe qua dưới chân núi Con Mèo. Sau trận bom dữ dội, đường ngầm qua suối lỗ chỗ hố sâu. Kẻng báo yên. Lập tức từ trong hang núi, hầm trú ẩn, hàng chục cô gái chỉ có cuốc chim, xẻng, xe cút kít lao ra mặt đường san lấp hố bom kịp thời cho xe qua. Chiến sỹ lái xe cũng là con gái, đội mũ sắt, mặc áo giáp, đi qua một lần đã không muốn quay lại lần hai. Các cô gái ứng cứu mặt đường chỉ có mũ tai bèo, áo dệt kim mỏng manh phải chịu hết trận bom này đến trận bom khác. Có người hy sinh, nhiều người bị thương. Đi sâu vào trong hẻm núi, tôi bắt gặp các chị trông giữ kho lương thực, đạn dược.

Nữ thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: Tư liệu

Công việc của chị em là sẩm tối ra đường tuyến lặng lẽ gùi hàng vào kho, trông giữ, không để mất một cân muối, hao hụt một cân gạo. Công việc lặng thầm. Hàng ngày chị em phải chống đỡ từng cơn sốt rét rừng. Xanh xao, gầy guộc, rụng tóc. Nhiều chị không dám soi gương. Chị phụ trách đơn vị đứng tuổi tên là Dậu, hơn tuổi tôi, nhờ phóng viên đi đến các ngầm, các kho của đơn vị nói chuyện thời sự chiến đấu và cuộc sống ở miền Bắc, Hà Nội cho chị em nghe. Tôi cùng cô giao liên đi hết hang này đến ngầm nọ cũng chỉ lặp đi lặp lại một bài nói chuyện. Tôi thật thà hỏi cô giao liên: “câu chuyện chỉ có thế. Cô có thấy chán không? Tại sao chị em vẫn muốn nghe nhỉ?” Cô giao liên cười xòa: “Anh ngốc lắm. Lâu lắm rồi, chị em chưa nghe tiếng đàn ông, anh ạ.”

Cuối năm 1973 tôi lên Trạm xá Nam, Tây Thừa Thiên Huế khai thác tù binh vi phạm Hiệp định Paris. Bác sỹ trạm trưởng là chú ruột của anh Trần Trọng Trủy, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nên anh coi tôi như người nhà, cho biết nhiều chuyện của đơn vị. Ăn tối xong, anh hỏi: “Có trường hợp này, gay cấn lắm mà mình chưa biết giải quyết ra sao, ông góp ý giúp nhé. Số là có nữ y tá của đơn vị yêu anh bộ đội pháo binh đã có vợ con ngoài Bắc, nay mới sinh em bé. Không kỷ luật thì không nghiêm, nhưng kỷ luật thế nào cho phải đạo nhỉ? Rối quá.” Tối hôm đó, tôi và bác sỹ trạm trưởng đến lán nữ. Chị em chuyền tay nhau nựng cháu bé gái. Ai cũng nhận mình là mẹ nuôi. Họ đang khát khao đời thường, chồng con và gia đình hạnh phúc. Anh đồng ý với tôi là khiển trách nữ chiến sỹ y tá và đề nghị cấp trên chuyển anh bộ đội pháo binh đến đơn vị khác, thật xa. Anh sợ để họ ở gần nhau, sang năm lại thêm đứa bé nữa thì gay to.

Có lần, một nhà báo của hãng AFP hỏi cống hiến nào lớn nhất trong chiến tranh, đặc biệt là trên đường Trường Sơn huyền thoại? Tôi trả lời gọn gàng: Cống hiến lớn nhất là hy sinh. Hy sinh tính mạng được vinh danh là liệt sỹ. Còn hy sinh tuổi thanh xuân với tình yêu, hạnh phúc gia đình thì chỉ có một từ là “thầm lặng”. Có một đội quân thầm lặng trùng điệp đã mở lối và đi trên con đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh vạn dặm ấy./.

                                               


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Du lịch hoài niệm trên đường Trường Sơn huyền thoại
Du lịch hoài niệm trên đường Trường Sơn huyền thoại

VOV.VN - Nhiều di tích trên hệ thống đường Trường Sơn gắn với bao chiến công hiển hách, oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân đất lửa. 

Du lịch hoài niệm trên đường Trường Sơn huyền thoại

Du lịch hoài niệm trên đường Trường Sơn huyền thoại

VOV.VN - Nhiều di tích trên hệ thống đường Trường Sơn gắn với bao chiến công hiển hách, oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân đất lửa. 

“Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại“
“Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại“

VOV.VN - Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại, mà phải bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bộ đội Trường Sơn xây nên.

“Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại“

“Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại“

VOV.VN - Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại, mà phải bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bộ đội Trường Sơn xây nên.