Nhà báo Phan Quang: Vì sao Fidel Castro là huyền thoại?
VOV.VN - Theo nhà báo Phan Quang, Lãnh tụ Fidel Castro là nhà cách mạng kiên cường, một đời vì nước, vì cuộc sống của người dân.
Hai lần vinh dự được tiếp xúc và gặp gỡ lãnh tụ Fidel Castro của Cuba, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội không thể quên những kỷ niệm sâu sắc với người bạn lớn của dân tộc Việt Nam.
Nhà báo Phan Quang.
PV: Là người có vinh dự hai lần được gặp Chủ tịch Fidel Castro, ông có thể kể những kỷ niệm ấn tượng nhất trong hai lần gặp này?
Nhà báo Phan Quang: Đúng ra tôi có hai lần được tiếp xúc lãnh tụ Fidel Castro. Đó là niềm vui, bên cạnh lần tiếc nuối khi để nhỡ một cơ hội khác được gặp ông, hồi Chủ tịch Fidel qua thăm Việt Nam vào miền Nam nước ta, và hồi đó, tôi cũng đang có mặt tại tỉnh Quảng Trị.
Về hai lần gặp Fidel, lần đầu chỉ là buổi gặp thoáng qua. Đó là nhân Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) họp tại Thủ đô Quito, nước Ecuador. Vì giao thông thời ấy còn khó khăn, hãng hàng không lớn nhất của Liên Xô là Aeroflot cũng không có đường bay thẳng đến Quito, cho nên chúng tôi phải tới tận Lima, thủ đô nước Peru rồi chuyển sang máy bay của một hãng khác sang Quito.
Khi trở về, chúng tôi quá cảnh ở La Habana, thủ đô Cuba, chờ máy bay về Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi ấy, tại La Habana diễn ra Đại hội của Liên đoàn báo chí Mỹ Latinh - một tổ chức trực thuộc OIJ nhưng là một liên đoàn báo chí độc lập. Họ mời Đoàn Chủ tịch của OIJ đến thăm và gặp lãnh tụ Fidel Castro, nhân có buổi Chủ tịch đến thăm và nói chuyện với đại hội của họ.
Hôm đó tất cả các Trưởng đoàn quốc tế, rất đông, gần 100 đoàn, xếp hàng vào hội trường, Chủ tịch Fidel Castro đứng chờ ở ngay sau cửa. Ông Tổng Thư ký tổ chức OIJ Yuri Kupka, người Tiệp Khắc giới thiệu với Chủ tịch từng nước: Liên Xô, Anh, Pháp, Tiệp Khắc… rồi đến Việt Nam. Nghe hai tiếng Việt Nam, Chủ tịch Fidel như sững lại, siết tay tôi rất chặt và thốt lên: “A Việt Nam, Việt Nam, Hồ Chí Minh!”. Ông đặt bàn tay trái vào trái tim của ông. Tôi cũng xúc động, siết tay ông và nói: “Vâng, tôi đến từ Việt Nam”. Chủ tịch Fidel nói tiếp: “Tôi rất nhớ Việt Nam. Tôi rất nhớ chuyến thăm Mặt trận Nam Việt Nam”.
Lúc đó, tôi không thể nói gì nhiều hơn với Chủ tịch Fidel, vì nhiều Trưởng đoàn đại biểu báo chí các nước còn đang xếp hàng dài phía sau. Bởi thế tôi hay nói lần gặp này chỉ là cuộc tái ngộ “bất thần”. Tôi dùng “tái ngộ”, bởi lãnh tụ Fidel Castro không lạ với thế hệ chúng tôi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, phim ảnh chúng tôi đã được “gặp” ông nhiều, thành ra lần đầu gặp mà như là “gặp lại” như thể đã quen nhau.
Lần thứ 2 là một Đại hội thường niên quan trọng của Liên Nghị viện thế giới (IPU) do Cuba đăng cai, năm 2000. Tổ chức Nghị viện thế giới là tổ chức quốc tế lớn sau Liên Hợp Quốc, thành lập từ trước chiến tranh thế giới, đến nay đã có hơn một trăm kỳ Đại hội.
Lần ấy Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang Cuba dự khá đông. Tôi có tham gia đoàn. Có sự ngẫu nhiên vui là ở chỗ, theo thông lệ của Liên nghị viện này, mỗi lần họp, ban điều hành đại hội lại tổ chức bắt thăm theo tên nước theo vần ABC để xem nước nào ngồi lên hàng đầu, chứ không thể A lúc nào cũng ngồi trước, Y lúc nào cũng ngồi cuối hội trường.
Lần đó, tình cờ vần V được bốc thăm ngồi hàng ghế đầu cùng với Venezuela, bắt đầu từ phía tay trái. Có một điều ngẫu nhiên mà tôi cũng hơi ngạc nhiên là thông thường là bục phát biểu dành cho diễn giả được bố trí bên phải, nhìn từ phía hội trường lên, nhưng lần đó lại xếp bục phía bên tay trái. Thế cho nên khi lãnh tụ nước chủ nhà đến phát biểu, Đoàn Việt Nam chỉ cách Chủ tịch Fidel có hai mét.
Vừa bước vào, Chủ tịch Fidel thấy đoàn Việt Nam đã vẫy chào, sau đó lên diễn đàn. Ông nói dài theo đúng phong cách Fidel, và đã nói thì nói rất hùng hồn, khá cụ thể và rất hay. Phương Tây gọi ông là “nhà hùng biện huyền thoại”. Thỉnh thoảng ông lại nhắc đến Việt Nam, mỉm cười nhìn về phía chúng tôi. Phân tích tình hình thế giới, Fidel cũng dẫn chứng rất nhiều về Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là hội nghị quốc tế nên lãnh đạo nước chủ nhà chỉ xuất hiện một, hai lần mà thôi.
Đối với tôi, lần này sau khi nghe và tiếp xúc Chủ tịch Fidel, tôi có cơ hội được ở lại Cuba, đi thăm nhiều nơi và cũng đã viết một số bài về đất nước này. Đấy là hai kỷ niệm đậm mãi trong lòng tôi, được gặp mặt, siết tay nhau, còn được con người cao lớn ấy ôm chặt người mình.
Tình cảm sâu nặng của nhân dân Quảng Trị với lãnh tụ Fidel Castro
PV: Từ góc nhìn của một người dân Việt Nam, một nhà báo, một nhà văn, cũng từng hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, ông cảm nhận lãnh tụ Fidel trong công việc và ngoài đời thường có những điểm gì khiến ông quí mến và khâm phục nhất?
Nhà báo Phan Quang: Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, Fidel Castro là một con người vĩ đại, một nhân vật huyền thoại. Chữ “huyền thoại” này không phải chúng ta ca ngợi nhau mà nhiều người khác trên thế giới, cả ở phương Tây, vẫn dùng cụm từ “một nhân vật huyền thoại đang còn sống”. Bởi thông thường nói đến “huyền thoại” là nói về một nhân vật đã đi xa, nhưng Fidel còn tại thế mà đã thành huyền thoại.
Với chúng tôi, Fidel Castro là lãnh tụ kính yêu của nhân dân Cuba, là người bạn lớn quí mến của nhân dân Việt Nam. Nói chung như thế chắc ai cũng có thể nhất trí, nhưng để cảm nhận hết sự vĩ đại huyền thoại ấy của người bạn lớn, cần nói rõ thể hiện trên những mặt:
Đồng chí Fidel Castro - vị Lãnh tụ, Tổng Tư lệnh Cách mạng Cuba |
Fidel từ con trai một gia đình giàu có được đào tạo tử tế để trở thành một luật sư, nhưng vì nhân dân, đất nước Cuba ông đã dấn thân vào con đường cách mạng, chiến đấu, bị tù đày, rồi đi làm chiến tranh du kích cho đến ngày dẫn đầu đoàn quân vào chiếm lĩnh thủ đô La Havana, mang lại cho nhân dân Cuba và các nước châu Mỹ Latinh một kỷ nguyên mới, chống lại cường quyền chứ không còn là “sân sau” của đế quốc Mỹ. Ông là một nhà cách mạng với ý nghĩa cao quí nhất của một nhà cách mạng.
Thứ hai, Fidel Castro là một chính khách có bản lĩnh hàng đầu thế giới, được nhiều bạn bè mến mộ và kẻ địch nể vì. Những thế lực chống đối nước Cuba dĩ nhiên muốn hạ bệ ông, thế nhưng không thể không nể trọng ông. Đó là một nhân cách không phải ai cũng có thể có.
Chúng ta đều biết đến con số: các tổ chức của Mỹ phối hợp với một số tay phản động người Cuba lưu vong đã 638 lần mưu sát Fidel và đều thất bại. Fidel đã một mình đương đầu với 10 Tổng thống Mỹ, từ Eisenhower cho đến cuối cùng là Bush, rồi đến Tổng thống Obama mới bắt đầu tính chuyện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Cho nên ông được nhiều người kính trọng, kể cả phương Tây; trong số này có Tổng thống Francois Mitterrand của Pháp, Thủ tướng Pierre Trudeau của Canada - thân sinh của Thủ tướng Canada Justin Trudeau hiện nay.
Ông Pierre Trudeau kính phục Fidel và có những chuyến thăm hỏi, trong bối cảnh sức ép của Mỹ rất nặng nề và Canada là đồng minh ở sát nách nước Mỹ. Năm 2000, khi ông cựu Thủ tướng Pierre Trudeau qua đời, Chủ tịch Fidel đã sang Montreal để dự lễ tang. Ông Thủ tướng trẻ hiện nay của Canada sau khi lên nhậm chức cũng đã có qua Cuba không chính thức… Còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác ở phương Tây kính trọng Fidel.
Chúng ta khâm phục nhau, yêu mến nhau là chuyện bình thường; nhưng được đối phương, thậm chí kẻ thù cũng kính trọng thì khá hiếm hoi. Chính vì vậy tôi nghĩ ông là một chính khách hàng đầu.
Cảm nhận thứ ba, Fidel là một học giả uyên thâm, trí tuệ sắc sảo, một nhà văn hóa đặc sắc có bản lĩnh, tính nhân văn sâu đậm. Chủ tịch Fidel Castro có kiến thức rộng và sâu, không chỉ nhờ ở bằng cấp, học vị. Ông là tiến sĩ luật quốc gia, cử nhân luật quốc tế, tiến sĩ khoa học xã hội. Tôi đã từng nghe ông nói chuyện, đọc nhiều tác phẩm của ông, tôi ngạc nhiên là đầu óc của ông sao nhớ được nhiều những con số, thống kê đến thế, ông dẫn số liệu, phân tích chuẩn xác mà không cần nhìn vào giấy tờ. Lạ lùng trí nhớ như vậy, kiến thức uyên thâm như vậy ít chính khách có được, thì Fidel đúng là một chính khách hàng đầu của thế giới, một trong những nhân vật để lại dấu ấn cho thế kỷ 20.
Mọi người đều ngạc nhiên về kiến thức của ông, bởi suốt cuộc đời khó khăn, đấu tranh gian nan, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, cập nhật, theo dõi tin tức. Thế nên ông nói điều gì đều cụ thể. Tại kỳ Đại hội Liên minh nghị viện vừa nói, tôi trực tiếp nghe ông phát biểu, ông nói thẳng, hầu như không nhìn vào giấy. Nhưng Fidel lại là một con người bình dân. Một nhà văn nước ngoài đến thăm Cuba đã ngạc nhiên viết rằng, khi lãnh tụ Fidel ra đường thì người dân Cuba nào đối với ông cũng gần như hai người sống cùng trong một khu nhà tập thể và hàng ngày đi chung một cầu thang.
Trong thời gian ngắn ở Cuba, tôi cũng có dịp chứng kiến điều đó. Rất lạ, một nhà lãnh đạo, một người có trình độ văn hóa cao thâm lại có mối quan hệ bình thường với người dân dã, chính vì thế người ta yêu mến ông.
Lãnh tụ Fidel có những người bạn là nhiều bậc văn hào lớn trên thế giới, trong đó có Gabriel Garcia Marquez - tác giả của “Trăm năm cô đơn”, hay nhà văn từng đạt giải Nobel Ernest Hemingway - tác giả của “Chuông nguyện hồn ai”, “Vườn Eden”, “Ông già và biển cả”... Gabriel Marquez có ý định dành tập III bộ Hồi ký của mình viết về những cuộc gặp gỡ các chính khách, trong đó có Fidel nhưng ông không kịp hoàn thành.
Còn Hemingway, tác phẩm “Ông già và biển cả” được viết tại thủ đô La Habana. Cũng lạ. Một văn hào Mỹ lại yêu mến Cuba và tìm nơi ở cho mình ở La Habana. Tôi đã có dịp đến thăm trang trại này, nơi Hemingway viết tiểu thuyết “Ông già và biển cả”, được giải thưởng Pulitzer rồi ngay sau đó Giải Nobel văn học. Như thế chứng tỏ, một nhà văn hóa có tính nhân văn sâu đậm như Fidel có thể giao lưu với tất cả mọi người, dù quan điểm chính trị của họ có khác nhau. Giữa con người với con người bao giờ cũng có sự đồng cảm. Nếu như chúng ta biết khai thác sự đồng cảm ấy, bỏ qua những bất đồng thì nhân loại sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Điểm thứ tư làm nên một Fidel Castro vĩ đại, theo cảm nhận của tôi là ở chỗ ông là một nhà quân sự dũng cảm, đã có công xây dựng nên quân đội Cuba hiện đại trong bối cảnh bị phong tỏa bốn bề. Danh hiệu ông thích nhất, gắn bó nhất là “Tư lệnh”. Mọi người đều thấy hình ảnh ông thường xuyên mặc quân phục, đội chiếc mũ vải mềm gắn ngôi sao. Ông là một nhà chỉ huy có tài, khi xảy ra sự kiện Vịnh Con lợn, Fidel đã đích thân chỉ huy ngồi trên xe tăng bắn cháy xe tăng Mỹ. Những điều đó đều là dấu ấn ghi vào lịch sử.
Đặc điểm thứ 5, Fidel vĩ đại bởi ông là con người suốt đời vì dân. Thế giới đều công nhận, một nước nghèo như Cuba mà tuổi thọ người dân lại cao nhất Mỹ Latinh. Ông đã xây dựng nền giáo dục và nền y tế đặc biệt, miễn phí cho tất cả mọi người. Ông có nhiều điểm giống Bác Hồ khi nêu vấn đề chống nạn dốt.
Ông khuyến khích người dân học, học đến một trình độ nào đó thì viết một lá thư gửi Fidel coi như bài kiểm tra, Fidel sẵn sàng đọc thư của người dân. Rõ ràng Fidel là một người vì cuộc sống, vì học vấn, vì sức khỏe của dân. Một nước nhỏ và nghèo như thế đã cử 20.000 chuyên gia y tế ra nước ngoài giúp 60 nước xây dựng nền y tế, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh tại châu Phi xuất hiện, lại thấy sự góp mặt tích cực của các y, bác sĩ Cuba. Fidel Castro là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên nhận Huy chương của Tổ chức Y tế thế giới vì sức khỏe cộng đồng.
Một điểm cuối cùng cần nhắc tới, Fidel là nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới đến với chúng ta khi ta đang gặp muôn vàn khó khăn, đó là vào tháng 9/1973 khi chiến tranh chưa kết thúc. Dù Mỹ đã rút lui, đã có hiệp định Paris về Việt Nam tháng 1/1973, nhưng sinh thời Bác Hồ kêu gọi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Năm 1973, Mỹ đã rút nhưng dồn lực lượng cho ngụy. Và trong thời điểm đó, Fidel đã sang thăm chúng ta. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa lãnh tụ Fidel Castro vào thăm tỉnh Quảng Trị, sang bên kia bờ sông Bến Hải.
Sau khi ký hiệp định Paris, tôi đang công tác tại Quảng Trị. Dịp ấy ngẫu nhiên tôi có việc phải ra Hà Nội, nên cứ tiếc mãi nếu mình còn ở trong ấy thì có cơ hội được gặp gỡ, phỏng vấn Chủ tịch Fidel, coi như một niềm vui nghề nghiệp.
PV: Với một nhà lãnh đạo cách mạng lớn, một người bạn lớn như Fidel Castro, Việt Nam nên chăng có một con đường hay vườn hoa để tưởng nhớ, thưa ông?
Nhà báo Phan Quang: Riêng về tình cảm, tôi thấy có thể có và cần phải có. Người Việt Nam xưa nay vốn rất quí trọng những ai có công lao đóng góp cho cuộc sống dân tộc mình về khoa học, văn hóa, kinh tế… Ở Hà Nội đã có vườn hoa Yersin, phố Yersin, tượng Yersin, vườn hoa Lenin, vườn hoa Indira Gandhi; TP.Hồ Chí Minh có đường Pasteur, đường Calmette, đường Alexandre de Rhodes… Như thế, việc có một vườn hoa, một đường phố mang tên Fidel Castro không phải ngoại lệ, và tôi tin việc đó chắc nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề cụ thể, còn phải thông qua các cơ chế, có sự tính toán cân đối nhiều mặt trước khi đi đến quyết định của các nhà chức trách, cơ quan có trách nhiệm. Tôi hy vọng đó chỉ là vấn đề thời gian.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Đại sứ Cuba: Lãnh tụ Fidel luôn ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam