Nhà ngoại giao Campuchia nhận định về chính sách đối ngoại "cây tre Việt Nam"
VOV.VN - Bài viết sau đây của ông Prak Sokhonn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, Úy viên Ban Thường vụ Trung ương, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Bài viết được trích trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong ba nhiệm kỳ liên tiếp kể từ năm 2011. Ông được đánh giá là một nhân vật rất được kính trọng ở Việt Nam đương đại. Có thể nói rằng, khả năng lãnh đạo và tầm nhìn của ông đã góp phần định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam và định vị đất nước cho một tương lai thịnh vượng và bảo đảm hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá cao nhờ những cải cách quản trị đất nước, đặc biệt là đóng góp và ảnh hưởng của ông đối với học thuyết chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi là độc lập, luật pháp quốc tế, đa dạng hóa, tự chủ và đa phương hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" đã nêu bật cách tiếp cận đối ngoại và ngoại giao đặc biệt của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ngoại giao "cây tre Việt Nam" đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển học thuyết và chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh còn nhiều phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và dễ bị tổn thương.
Chính sách này cũng nhằm thiết lập quan hệ đối tác đa dạng với các nước lớn, tạo điều kiện mở rộng kết nối thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực quốc phòng, nâng cao uy tín quốc tế, bảo đảm môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước của Việt Nam. Trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" đã thể hiện khả năng thích ứng và linh hoạt của Việt Nam khi đối phó với tính chất khó lường của các mối quan hệ quốc tế trong suốt thời gian dài.
Tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam. Việc cân đối mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện cũng được nhấn mạnh.
Cam kết của Việt Nam trong ngoại giao đa phương nhằm ưu tiên và tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, Tiếu vùng Mêkông mở rộng và các tổ chức tiểu vùng khác. Việt Nam đã thể hiện sự khôn khéo trong xử lý các vấn đề toàn cầu và trong nước thông qua việc chủ động tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Khả năng ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và việc duy trì tăng trưởng kinh tế ốn định của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường kết nối với thế giới, đồng thời nâng cao uy tín và năng lực quốc gia trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Với việc Việt Nam chủ động thực hiện đa phương hóa, tích cực thúc đẩy ngoại giao đa phương thông qua các khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các đối tác chiến lược khác, tương lai của Việt Nam là rất tươi sáng.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" đặt trọng tâm ưu tiên độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế. Khi Việt Nam định hướng đường lối của đất nước, tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cam kết đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ sẽ bảo đảm mục tiêu thịnh vượng cho Việt Nam.
** Tít do Báo Điện tử VOV đặt.
Bài viết được đăng trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản. Sách ra mắt ngày 21/11/2023 tại Hà Nội.