Những khoảng trống trong đào tạo cán bộ và hệ lụy với nền công vụ quốc gia

“Nhiều cán bộ bị rút ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù!”

VOV.VN - PGS Vũ Minh Khương lấy hình ảnh: “Ông Park Hang Seo rút người ra khi có người đá hay hơn thay, còn ta rút người ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù rồi".

Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, quyết định sự thành bại của tổ chức, là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của tổ chức. Đầu tư vào nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phải nâng tầm năng lực, tư duy, khả năng hành động của đội ngũ cán bộ, công chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của từng cơ quan Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của nền công vụ quốc gia, tác động tới hiệu quả quản trị quốc gia.

Trong điều kiện hiện nay, phải làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế? Thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của chúng ta bộc lộ nhiều khiếm khuyết, vừa thừa lại vừa thiếu nên nhiều khóa, lớp đào tạo mở ra lãng phí mà mục tiêu lại không đạt. Đây cũng chính là nội dung được đề cập trong loạt bài “Những khoảng trống trong đào tạo cán bộ và hệ lụy với nền công vụ quốc gia" với 3 bài:

Bài 1: “Nhiều cán bộ bị rút ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù!”

Bài 2: Đào tạo lại lãnh đạo hay đội ngũ người làm việc?

Bài 3: Đừng để cán bộ, công chức đi học chỉ là đối phó, làm đẹp hồ sơ

 

Bài 1: “Nhiều cán bộ bị rút ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù!”

Việc xử lý kỷ luật Đảng, cách chức và thậm chí là xử lý hình sự một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ thời gian qua thực sự là những bài học đau xót trong công tác cán bộ. Bởi ngoài những thiệt hại về con người, nhân lực thì đằng sau những quyết định xử lý kỷ luật đó là những con số thiệt hại không nhỏ về kinh tế của đất nước, địa phương. Nguyên nhân của những hậu quả này thì có nhiều, nhưng nhìn từ góc độ quản lý hành chính công vụ thì rõ ràng còn nhiều kẽ hở, bất cập.

Điểm nghẽn thể chế

Trước hết, đi từ nền hành chính công vụ, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nền hành chính của Việt Nam vẫn lấy Nhà nước làm trung tâm chứ chưa lấy người dân làm trung tâm, vẫn nặng tư duy không quản được thì cấm. Trong quá trình quản trị xã hội vẫn chú trọng đưa pháp luật vào thực tiễn nhưng chưa đưa thực tiễn vào chính sách pháp luật… và còn nhiều vấn đề bất cập khác.

Trước thực tế nền hành chính nước ta, PGS. TS Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần xây dựng nền tảng thể chế cho tương lai chứ không phải nay làm mai xoá. Thể chế ấy phải giúp đất nước phát triển và phải có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Công cuộc cải cách của chúng ta là tập trung thị trường, con người và thể chế. Điểm nghẽn chính là thể chế, khiến công chức của chúng ta chưa làm việc như “người nông dân trên đồng ruộng của mình”. Rõ ràng thể chế chưa ổn nên giống như có một bàn tay vô hình đang níu họ lại.

Cải cách không phải chỉ thông minh nữa, mà phải là thông tuệ, công nghệ hoá chứ không phải công nghiệp hoá. Giá trị tạo ra không phải hiệu quả điều hành mà còn là hiệu ứng cộng hưởng trong nước và thế giới.

PGS Vũ Minh Khương đưa ra quan điểm về một bộ máy công quyền ưu tú, đó là phải vạch ra tầm nhìn và chiến lược phát triển; gắn kết và phối thuộc hành động; không ngừng học hỏi, đẩy nhanh và nâng tầm công cuộc phát triển. Đặc trưng của bộ máy công quyền đó là phải cởi mở, minh bạch, chịu trách nhiệm; Gắn kết máu thịt với dân, hiểu dân, trăn trở với nỗi đau của dân, thôi thúc thực hiện khát vọng của dân; có thực lực (năng lực, quyền hạn, nguồn lực) để hoành thành xuất sắc trách nhiệm.

“Chính phủ xác định rõ mục tiêu, chúng ta có ước mơ nhưng cách thiết kế như thế  nào? Không thể không dùng kỹ thuật số và tiếng Anh. Trình độ tiếng Anh phải sử dụng để làm việc chứ không phải là những chứng chỉ A, B, C…” – GS Vũ Minh Khương nói.

TS Vũ Minh Khương

Bộ máy công quyền ưu tú phải thôi thúc thực lực, phải trao quyền thực sự cho cơ sở, có quyền hạn, như hiện nay còn chồng chéo, bộ này nhìn ngó bộ kia. Muốn có sức mạnh thần tốc thì phải có sự gắn kết, tạo sức mạnh cộng hưởng. Từ qui trình phải đi vào qui luật, phát triển thành phát đạt. Thời đại đổi thay thì cán bộ công chức cũng phải đổi thay. “Luôn phải test xem người dân có tin cán bộ công chức không. Công trình có vĩ đại đến đâu mà người dân không được hưởng lợi thì cũng không có ý nghĩa” – PGS Vũ Minh Khương phân tích thêm đồng thời đúc rút một điều: “Ông Park Hang Seo rút người ra khi có người đá hay hơn, còn ta rút người ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù rồi”.

Đồng tình với quan điểm phải phân cấp, phần quyền mạnh hơn cho địa phương, PGS. TS Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, hành chính công buộc phải thay đổi trong đó có việc áp dụng một số yếu tố của cơ chế thị trường như cạnh tranh, đấu thầu, tính hiệu quả, lượng hóa, so sánh kết quả/chi phí, coi công dân là khách hàng của nền hành chính, quản lý theo mục tiêu, làm cho nền hành chính trở nên năng động, hiệu quả hơn; tư nhân hóa, xã hội hóa một phần các hoạt động của Nhà nước…

Kỷ luật công vụ lỏng lẻo, tham nhũng nghiêm trọng

Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố ngày 29/1/2019, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với năm 2017. Tổ chức này đánh giá: "Tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng".

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), điển hình là việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn và hoàn thiện khung khổ pháp lý về PCTN (tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN mới).

Mặc dù vậy, tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Để thay đổi thực trạng và cảm nhận về sự thay đổi này cần có thời gian. Với mục tiêu xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, những nỗ lực trên, đặc biệt là việc xử lý thực sự nghiêm minh và công bằng các vụ án tham nhũng, cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới. Việc này cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả như tăng cường liêm chính trong khu vực công, thực hiện hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Hình ảnh đau xót về những cán bộ, công chức một thời nay dính vòng lao lý.

Ngoài ra, một vấn đề được ông Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhắc tới đó là thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo ông Liên, thái độ phải hơn trình độ. Bây giờ, kỷ luật của cán bộ, công chức lỏng lẻo, vô cảm, không sáng tạo, không chủ động đang là hiện tượng tương đối phổ biến trong nền công vụ của chúng ta. Cái lớn về kiến thức ta làm dần dần nhưng vấn đề đạo đức, văn hóa công vụ nên chúng ta cần khắt khe, kỷ luật tốt để chuyển biến thái độ làm việc. “Bây giờ nhiều người nước ngoài làm việc với chúng ta họ phàn nàn về thái độ của cán bộ, công chức. Biến kiến thức, kỹ năng thành hành động thực tiễn, nhưng với thái độ như thế này thì cả kiến thức, kỹ năng cũng không được” – ông Liên nói.

Từ thực trạng này có thể thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi; chưa thực sự là công cụ để nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài việc thay đổi cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì khâu tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức cũng cần thay đổi, cởi mở hơn để người tài thực sự có cơ hội làm việc, cống hiến trong môi trường môi công vụ. Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài: "Đào tạo lại lãnh đạo hay đội ngũ người làm việc?"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng lương cán bộ, công chức cần gắn liền với vị trí việc làm
Tăng lương cán bộ, công chức cần gắn liền với vị trí việc làm

VOV.VN -Tiền lương của cán bộ, công chức không thể cứ tăng dàn đều cho một đội ngũ hùng hậu như hiện nay. Đã đến lúc phải tinh gọn bộ máy cho hiệu quả.

Tăng lương cán bộ, công chức cần gắn liền với vị trí việc làm

Tăng lương cán bộ, công chức cần gắn liền với vị trí việc làm

VOV.VN -Tiền lương của cán bộ, công chức không thể cứ tăng dàn đều cho một đội ngũ hùng hậu như hiện nay. Đã đến lúc phải tinh gọn bộ máy cho hiệu quả.

Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức: Bao giờ bớt hình thức?
Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức: Bao giờ bớt hình thức?

VOV.VN - Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức vẫn mang nặng tính hình thức khi mà cả năm không tìm được ai không hoàn thành nhiệm vụ.

Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức: Bao giờ bớt hình thức?

Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức: Bao giờ bớt hình thức?

VOV.VN - Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức vẫn mang nặng tính hình thức khi mà cả năm không tìm được ai không hoàn thành nhiệm vụ.

Tiền lương cán bộ, công chức tăng mạnh từ 2020?
Tiền lương cán bộ, công chức tăng mạnh từ 2020?

VOV.VN - Nếu đề xuất tăng mức lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng được thông qua thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong vòng mấy năm trở lại đây.

Tiền lương cán bộ, công chức tăng mạnh từ 2020?

Tiền lương cán bộ, công chức tăng mạnh từ 2020?

VOV.VN - Nếu đề xuất tăng mức lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng được thông qua thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong vòng mấy năm trở lại đây.