Nhiều kết quả tốt đẹp từ hợp tác giữa 4 tỉnh biên giới với Vân Nam (Trung Quốc)

Sau gần 2 năm thực hiện những thỏa thuận chung đạt được tại phiên họp lần thứ 3, các bên đã đạt được nhiều thành quả phong phú, thiết thực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp lần thứ 4 Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được tổ chức hôm 3/6 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, các đại biểu tham dự phiên họp đều cho rằng, sau gần 2 năm thực hiện những thỏa thuận chung đạt được tại phiên họp lần thứ 3, các bên đã đạt được nhiều thành quả phong phú, thiết thực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của ông Cố Triều Hy- Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, kết quả đạt được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Thứ nhất là cơ chế hợp tác không ngừng hoàn thiện. Hai bên đã tìm tòi, xây dựng hàng loạt cơ chế phối hợp trong các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng cửa khẩu, thương mại, đầu tư, khoa học giáo dục, đồng thời kịp thời giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hợp tác.

Thứ 2 là quy mô hợp tác kinh tế thương mại ngày càng mở rộng. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam với các địa phương của Việt Nam đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 28.2%. Việt Nam nhiều năm liền trở thành đối tác thương mại chính của Vân Nam.

Từ năm 2004 đến nay, Vân Nam đã bán điện cho Việt Nam hơn 21 tỷ Kw/h, những dự án hợp tác thủy điện nhỏ được triển khai thuận lợi, mua bán điện trở thành điểm sáng trong hợp tác kinh tế thương mại hai bên.

Trong lĩnh vực đầu tư, dự án khai thác quặng sắt Quý Xa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai được hai bên hết sức coi trọng, dự án này là dự án đầu tư ra bên ngoài lớn nhất của tỉnh Vân Nam. Đoàn đại biểu tỉnh Vân Nam trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4 vừa rồi đã ký kết với các đối tác của Việt Nam 10 dự án hợp tác, tổng trị giá đạt gần 4,4 tỷ USD.

Thứ 3 là hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa nghệ thuật... ngày càng mật thiết. Hiện nay, mỗi năm Vân Nam tiếp nhận gần 2.000 lưu học sinh Việt Nam. Giao lưu hữu nghị giữa các thành phố, ban ngành, quần chúng đoàn thể ngày càng thường xuyên liên tục. Hiện nay đã có 5 cặp thành phố hai bên kết nghĩa thành phố hữu nghị.

Hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật nông nghiệp không ngừng được mở rộng, nhiều loại giống cây trồng như lúa, đậu, khoai lang, mía được Vân Nam truyển giao trồng tại các địa phương Việt Nam cho năng xuất cao. Hai bên cũng có các dự án hợp tác trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết, HIV…   đồng thời xây dựng được hệ thống giám sát, phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm qua biên giới.

Ông Cố Triều Hy cho rằng, Vân Nam hiện đang trong giai đoạn quan trọng để thực hiện phát triển một cách khoa học, hài hòa và phát triển nhảy vọt, trong khi đó Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách mở cửa, đẩy nhanh việc công nghiệp hóa hiện đại hóa. Điều này đòi hỏi hai bên không ngừng mở rộng, phát triển các sản phẩm, ngành nghề ưu thế của mình, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, thu hút nhân tài, đẩy mạnh việc xây dựng môi trường dân cư sinh thái và tiến bộ xã hội... Trong các lĩnh vực này, Vân Nam và các địa phương Việt Nam có nhiều điểm chung và không gian hợp tác rộng lớn.

Theo ông Cố Triều Hy, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại phát triển nhanh, lành mạnh. Ông hy vọng, các bên cần có hành động tích cực, để hợp tác kinh tế thương mại mỗi năm có một bước đột phá, và 3 năm có sự phát triển vượt bậc. Vân Nam sẽ khuyến khích mở rộng quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nỗ lực thực hiện cân bằng thương mại.

Bên cạnh đó cần đẩy nhanh việc xây dựng kết nối mạng lưới giao thông cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, đồng thời thúc đẩy việc tiện lợi hóa thông quan, tạo điều kiện cho vận chuyển người và hàng hóa hai bên.

Hai bên sẽ cố gắng hoàn thành xây dựng tuyến đường vận tải hành khách trực tiếp từ Côn Minh đi Sa Pa vào trước phiên họp lần sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên