Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui bắt đầu từ 1 bài báo
VOV.VN - Ðiều đó càng chứng tỏ vai trò quan trọng và hiệu quả to lớn của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2, năm 2018-2019” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức sẽ được trao giải vào tối nay 15/8 tại Hà Nội.
Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Nhiều tác phẩm có nội dung, chất lượng tốt, có tính phát hiện, thể hiện công phu. Đặc biệt, là những tác phẩm có đề tài gương điển hình trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, tác phẩm thể hiện được cả tính “xây” và “chống”.
Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã tiếp thêm động lực cho những người làm báo, phản ánh thực trạng, tìm tòi những lời giải về bất cập, đồng thời hiến kế, bịt lỗ hổng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Nhóm PV VOV tại Đồng bằng sông Cửu Long đoạt giải |
Từ sự lãng phí trong sử dụng tài nguyên, đặc biệt là đất đai, nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã đi tìm lời giải cho sự lãng phí đất đai tại các Khu công nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long.
Để thực hiện loạt bài, nhóm phóng viên đã đặt chân đến những mảnh đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân nhưng giờ đây rất nhiều diện tích bị bỏ hoang, chăn thả trâu bỏ; tìm gặp nhiều bà con nông dân để nghe bà con trải lòng về nỗi khổ của mình. Đó là chuyện: Đất thổ cư, được cấp “sổ đỏ” nhưng không thể tách thửa xây nhà; muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn cũng không được chấp nhận…vì nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp.
Từ thực tế này, nhóm phóng viên Đài TNVN đã làm rõ nguyên nhân vì sao tồn tại thực trạng “phung phí tài nguyên đất” kéo dài thời gian qua? Qua đó, nói lên tiếng nói để những nhà hoạch định chính sách và cấp có thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp với quy hoạch.
Phóng viên Trần Trung Hiếu |
Phóng viên Trần Trung Hiếu, cơ quan thường trú Đồng Bằng sông Cửu long, Đài TNVN chia sẻ: “Khi chúng tôi thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhìn thấy rõ sự lãng phí đất đai trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, khi lấy số liệu tổng quan về diện tích khu công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích bao nhiêu, lấp đầy là bao nhiêu để thể hiện rõ sự lãng phí đất thì gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi tìm gặp một số cơ quan để được cung cấp thông tin thì đều bị từ chối bằng cách này hay cách khác. Cuối cùng lãnh đạo cơ quan phải có công văn mới gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, mới có số liệu, loạt bài mới đầy đặn, hoàn thiện”.
Có một thực tế dễ thấy là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan địa phương đó phát hiện, càng không phải thông qua sinh hoạt Ðảng mà hầu hết là do quần chúng nhân dân và đặc biệt là do báo chí phát hiện, vào cuộc. Ðiều đó càng chứng tỏ vai trò quan trọng và hiệu quả to lớn của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đã có những quyết định hết sức quan trọng được đưa ra xuất phát từ thông tin phản ánh ban đầu từ 1 bài báo. Điển hình như từ chiếc xe biển xanh mà Trịnh Xuân Thanh sử dụng, cả một vụ án lớn về tham nhũng đã được phanh phui.
Dù là lĩnh vực khó nhưng chủ đề về tham nhũng, lãng phí cũng rất hấp dẫn đối với người cầm bút. Bởi trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng luôn có sự đồng hành, góp sức của báo chí. Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, thành viên chấm giải đánh giá: “Tác phẩm báo chí đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí có tác động rất lớn. Nó như là hệ quả tất yếu của chủ trương quyết liệt và đúng đắn từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến Bộ Chính trị của Đảng. Đấy là chủ trương quyết liệt chống tham nhũng, không có ngoại lệ. Đó là môi trường gợi mở, đảm bảo chắc chắn cho báo chí đi chống tham nhũng lớn. Bởi thế sức lan tỏa rất lớn”.
Một điểm rõ nét của các tác phẩm tham gia giải Báo chí về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí lần này đã có sự đầu tư trong lựa chọn chủ đề, bám sát vấn đề thực tiễn đặt ra, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện. Nhiều đề tài được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu, đăng tải nhiều kỳ như loạt 3 bài: “Ai để Sabeco bán rẻ đất vàng”; hay như loạt 5 bài “Truyền bá chuyện Vong báo oán tại Ba Vàng”; cùng với đó, nhiều tác phẩm viết về tấm gương đấu tranh chống tham nhũng cũng được đề cập.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những năm qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đồng hành cùng báo chí theo dõi, phát hiện và đấu tranh với những hành vi tham nhũng. Từ những bài báo điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận đứng ra kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những vấn đề, những vụ việc mà báo chí nêu để có kết quả cuối cùng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn (Ảnh: mattran.org.vn) |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Đối với lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng hành cùng cơ quan báo chí luôn sát cánh cùng cơ quan báo chí bảo vệ quyền, nghĩa vụ, lợi ích của cơ quan báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tham gia giám sát, phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Trong các nghị quyết của Đảng, chưa có nghị quyết nào đề cập việc phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng nhiều và rõ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Cũng chưa khi nào có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc chung tay cùng báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng như thời gian gần đây. Từ đây, báo chí có cơ sở, niềm tin và động lực đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đóng góp đặc biệt quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng./.
Nhiều Khu công nghiệp vắng vẻ, vì sao?