Nhìn lại chuyến thăm Nga, Séc và Azerbaijan của CTN Trương Tấn Sang
VOV.VN -Đây là chuyến thăm đến các nước bạn bè truyền thống để mở đường cho các cơ hội của một giai đoạn hợp tác mới, thực chất và sâu rộng.
Đêm qua (15/5), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao nước ta đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh kết thúc chuyến tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga và thăm Cấp nhà nước Cộng hòa Séc và Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 8 đến ngày 15/5/2015.
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được Liên bang Nga tổ chức với quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong 30 vị Nguyên thủ quốc gia có mặt tại buổi Lễ. Ý nghĩa bao trùm của cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ là tình cảm biết ơn của thế giới đối với những gì nhân dân Nga, cũng như nhân dân các nước Cộng hòa thuộc không gian Liên Xô trước đây đã phải gánh chịu. Lương tâm của loài người không cho phép chúng ta lãng quên điều đó, như Tổng thống Nga Putin nói: 26 triệu người hy sinh là cái giá đủ để không cho phép bất kỳ ai viết lại lịch sử của cuộc chiến tranh tiêu diệt chủ nghĩa Phát-xít.
Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga đánh giá cao việc Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng, coi đây là sự ủng hộ lớn và ghi nhận của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp quan trọng và mang tính chất quyết định của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong việc đánh đổ chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, là nhân tố quan trọng thúc đẩy cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trên các châu lục Á, Phi và Mỹ La tinh.
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã dành nhiều thời gian để thảo luận và thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các dự án ưu tiên trọng điểm đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật – quân sự, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch… trong thời gian tới.
Tại Cộng hòa Séc, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ năm 1958. Tổng thống Séc Milos Zeman đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một dấu mốc quan trong trong lịch sử bề dày quan hệ 65 năm qua.
Đáng chú ý là Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên trong chính sách thương mại của bạn, mong muốn thúc đẩy và đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Tổng thống Séc Milos Zeman nói: “Tôi vui mừng được đón ngài Chủ tịch của Việt Nam, một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và năng động, một thị trường rộng lớn xấp xỉ 100 triệu dân. Chúng tôi đánh giá cao sự hấp dẫn và triển vọng của đất nước các bạn. Về phía Chính phủ Séc hiện nay cũng đang thực hiện chủ trương ngoại giao kinh tế, điều mà trước đây chưa có. Đó là những yếu tố quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định quan hệ hữu nghị giữa 2 nước là cơ sở để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực: “Séc là nước đã từng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Đồng thời Séc cũng là nước giúp Việt Nam đào tạo nhiều nguồn nhân lự, hàng nghìn người được đào tạo tại séc đẫ và đang tiếp tục đóng góp tại Việt Nam, nhiều người giữ cương vị quan trọng. Ngoài ra, Séc giúp đỡ xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa cho đến tận hôm nay. Với truyền thống như vậy, chúng tôi đã thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, đối ngoại đến kinh tế thương mại, đầu tư, giáo dục, quốc phòng an ninh…và thống nhất nâng tầm quan hệ nhất là kinh tế thương mại tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề cập một thuận lợi đang đến trong tương lai gần đối với doanh nghiệp hai bên, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định mà Séc nỗ lực ủng hộ Việt Nam đang đi vào giai đoạn kết thúc đàm phán.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nhà lãnh đạo đã đến tham dự Diễn đàn doanh nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp hai nước tham gia. Hai bên đã ký được nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có Thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng BIDV với Ngân hàng xuất nhập khẩu của Séc nhằm hỗ trợ các dịch vụ tài chính thuận lơi cho việc làm ăn, kinh doanh của cộng đồng tại Séc và một số nước Trung Đông Âu.
Tổng thống Séc cũng đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển kinh tế - xã hội Séc, coi sự hội nhập thành công của cộng đồng người Việt vào xã hội Séc là mẫu hình cho các cộng đồng thiểu số khác và khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ta làm ăn phát đạt tại Séc.
“Cộng đồng Việt Nam tại Séc là một biểu tượng sáng cho các cộng đồng dân tộc ít người khác, nếu như trong xã hội Séc có những ý kiến phân biệt thì tôi sẽ nói với họ rằng, hãy nhìn vào những người Việt Nam tại Séc đang cần cù lao động, kinh doanh, nhìn vào những trẻ em Việt nam học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, đó chính là những tấm gương sáng ngay cả đối với chúng ta”.Tổng thống Séc nói.
Cùng với Cộng hòa Séc, Cộng hòa Azerbaijan cũng là quốc gia bạn bè truyền thống đã từng giúp đỡ Việt Nam kể từ thời kỳ Liên xô cũ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iham Aliyev đều khẳng định rằng hai quốc gia Việt Nam-Azerbaijan đang đứng trước cơ hội to lớn để củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
Hai bên nhất trí tích cực trao đổi đoàn các Bộ, ngành, đặc biệt là khối kinh tế, các đoàn doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại Azerbaijan và ngược lại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều hiện mới chỉ ở mức hơn 400 triệu đôla năm 2014 lên mức 1 tỷ USD vào những năm tới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, chúng ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn như là khoảng cách xa về địa lý, thiếu các kênh giao thương, nhu cầu các doanh nghiệp còn khác biệt…tuy nhiên, tôi tin tưởng chắc chắn rằng những trở ngại mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu như chúng ta đều có quyết tâm và nỗ lực rất là cao để vượt qua những thách thức này”.
Trong hợp tác kinh tế thì dầu khí là lĩnh vực được hai bên Việt Nam và Azerbaijan coi là ưu tiên mang tính chiến lược lâu dài. Azerbaijan là quốc gia có tiềm năng đặc biệt trong lĩnh vực này, trong lịch sử quan hệ Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959 khi thăm thành phố baku đã đề nghị Azerbaijan giúp đỡ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp dầu khí. Kể từ đó, rất nhiều chuyên gia Liên xô, trong đó có Azerbaijan đã đến Việt Nam để đào tạo và xây dựng những cơ sở đầu tiên của ngành dâu khí.
Trong giai đoạn mới của sự hợp tác, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Azerbaijan khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi, trong đó có việc sớm thiết lập cơ sở pháp lý, thúc đẩy đầu tư của Việt Nam tại Azerbaijan, tiến tới việc hai Bên mở rộng hợp tác khai thác dầu khí tại nước thứ ba.
Trong hành trình thăm 3 nước có truyền thống quan hệ hữu nghị, một điểm nhấn của chuyến đi là các cuộc gặp mặt cảm động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với những người bạn Nga, Séc, Azerbaijan đã từng gắn bó, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trước kia cũng như hiện nay. Những cuộc gặp gỡ đã thể hiện sự tri ân, biết ơn của Việt Nam đối với bạn bè, thể hiện đặc tính có trước có sau của dân tộc Việt Nam.
Như Chủ tịch nước khái quát, người giúp đỡ thì không kể lại nhiều nhưng người Việt Nam là những người nhận được sự giúp đỡ thì luôn khắc sâu trong tâm khảm và không bao giờ quên. Đó cũng là cầu nối đầy tính nhân văn giữa Việt Nam và các nước bạn bè truyền thống.
“Có thể nói chuyến đi thăm đã dành được tình cảm của các nước đối với Việt Nam rất là sâu đậm cũng như tình cảm của chúng ta đối với các nước bạn bè truyền thống đã từng giúp đỡ, ủng hộ chúng ta mạnh mẽ trước đây cũng như công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Trong tất cả các cuộc gặp với lãnh đạo các nước, hai bên đều đánh giá cao sự tin cậy về quan hệ chính trị và đều mong muốn trên cơ đó tăng cường hơn nữa trên nhiều lĩnh vực nhất là kinh tế thương và đầu tư…Tôi cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước đạt được kết quả tích cực không những củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp mà quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại…là cần thiết cho cả hai bên”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định.
Với những kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm này, một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống Liên bang Nga, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Azerbaijan, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác mới cùng có lợi vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và hòa bình phát triển của khu vực./.