Nhớ về hào khí của một thời Nam Bộ kháng chiến

Những ngày tháng oai hùng của người dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân tháng 9/1945 là những kỷ niệm hào hùng không thể nào quên.  

Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố Hồ Chí Minh có 38.000 hội viên. Những ngày này, câu lạc bộ  nhộn nhịp hơn với nhiều hoạt động truyền thống kỷ niệm 64 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến.

Là người đã từng kinh qua kháng chiến và là thành viên của Hội đồng biên soạn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, ông Tăng Anh Dũng, tức Sáu Thơ, nguyên là Vụ Trưởng Vụ địa phương 2 Văn phòng Trung ương Đảng, mỗi khi nhắc đến ngày này, ông không thể nào quên tinh thần quật khởi của quân dân Sài Gòn–Chợ Lớn-Gia Định trong những ngày đầu chống thực dân Pháp tháng 9 năm 1945.

Ông Tăng Anh Dũng nói: “Trong cả tháng trời cầm cự với Pháp có hai yếu tố quyết định: Một là sự đoàn kết của nhân dân, của Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định dưới sự lãnh đạo của Đảng tại đây, lúc đó là của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Thứ hai là sự chi viện rất kịp thời của cả nước, đặc biệt là miền Bắc và Bắc Trung Bộ với Đoàn Nam tiến, đáp theo lời kêu gọi của Bác Hồ và sự kêu gọi của Trung ương”.

Lịch sử như được sống dậy qua lời kể của các bậc lão thành cách mạng. Ông Hai Hỷ, tức Trương Thành Hỷ, ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh được các thế hệ con cháu trong vùng xem là pho sử sống. Ông là người trực tiếp tham gia cách mạng bắt đầu từ phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa cho đến Nam Bộ kháng chiến và các giai đoạn kháng chiến sau này. Vì vậy mà những câu chuyện kể của ông về ngày 23/9/1945 giống như những thước phim tư liệu đã ăn sâu trong tâm trí.

Với lời thề "Độc lập hay là chết!", những ngày ấy, người dân Nam Bộ chỉ với vũ khí thô sơ nhưng đã anh dũng, kiên cường chiến đấu với quân xâm lược được trang bị tối tân, khiến quân Pháp nhiều phen khốn đốn.

Ông Hai Hỷ nhớ lại: “Trong những ngày đó có thể nói, thanh niên với gậy gộc, lúc đó không có súng ống nhưng đã bao vây được bọn Pháp, bắt bọn Pháp trong thành phố hơn 3 tháng liền. Ở Hóc Môn có mặt trận Tham Lương là dài nhất. Lúc đó thì bộ đội đánh nhau ở tại đây. Tới năm 1946 mới bị mất Hóc Môn. Gặc Pháp bắt đầu tấn công mạnh, lúc đó Trung ương có ông Nguyễn Bình vào rồi và thành lập khu 7, quân khu Miền Đông, thành lập giải phóng quân”.

Sau ngày 23/9, ông Hai Hỷ tham gia Giải phóng quân, làm trinh sát trực tiếp chiến đấu rồi hướng dẫn thiếu sinh quân. Năm 1948 ông được đi học nhiếp ảnh và làm công tác nhiếp ảnh, quay phim trong quân đội mãi đến khi nghỉ hưu. Với ông đó là những quãng đời đẹp nhất.

Còn với ông Sáu Nhân, tức ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: “Lúc nổ ra kháng chiến, cả tỉnh Bến Tre lúc đó hướng về Sài Gòn và muốn tìm cái gì đó để cùng chiến đấu với Sài Gòn. Lúc kháng chiến bùng nổ, chúng tôi được biết việc nổ kho đạn ở Thị Nghè 3 ngày. Còn em bé Lê Văn Tám thì đốt kho xăng dầu Khánh Hội. Có thể nói một trong những điểm của người Việt Nam mà đặc biệt là người Việt Nam ở Nam Bộ thì khí phách, dũng khí xả thân vì nghĩa lớn là rất lớn”.

Vì tinh thần và nghĩa khí ấy, ông Sáu Nhân đã xếp bút nghiên để lên đường đánh giặc. Giờ đây khi đã ở tuổi nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn bận rộn với việc viết sách, đó là những trang viết về lịch sử về Ngày Nam Bộ  kháng chiến.

64 năm đã đi qua, nhưng tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 vẫn luôn là điểm tựa của các thế hệ hôm nay và mai sau vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên