Những luận điệu xuyên tạc thù địch không ngăn cản được con đường phát triển của Việt Nam

Đã từ lâu dư luận đều biết rất rõ, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cũng như Tổ chức Ân xá Quốc tế, hoạt động hoàn toàn không phải vì những quyền cơ bản của con người – như tiêu chí đề ra của họ…

Trong những ngày qua, Uỷ ban Tự do Quốc tế Tôn giáo Hoa Kỳ, Tổ chức Ân xá quốc tế và cả một số vị dân biểu Hoa Kỳ đã liên tục đưa ra những luận điệu vu cáo Việt Nam trong vụ đòi đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng và 42 phố Nhà Chung, Hà Nội. Họ đưa ra cái gọi là Việt Nam tịch thu đất đai của tôn giáo, đàn áp, tấn công giáo dân, rằng tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam. Đây là những luận điệu sai trái nhằm kích động tiếp tục đòi đất, gây hận thù và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đã từ lâu dư luận đều biết rất rõ, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cũng như Tổ chức Ân xá Quốc tế, hoạt động hoàn toàn không phải vì những quyền cơ bản của con người – như tiêu chí đề ra của họ. Hoạt động của họ chỉ nhằm phục vụ cho những thế lực cực đoan thù ghét các chế độ mà họ cho là “không theo quỹ đạo của Mỹ và phương Tây”. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, Việt Nam, Nga, Trung Quốc, Cuba… đều là những nước thường xuyên bị các tổ chức này đưa ra những nhận định sai sự thật về tình hình nhân quyền.

Và việc một số vị dân biểu Hoa Kỳ vừa lớn tiếng xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, cũng không phải là phản ánh quan điểm của Quốc hội Mỹ. Đó chỉ là những cái nhìn sai trái được lặp đi lặp lại của bà Loretta Sanchez, ông Chritophe Smith… những hạ nghị sĩ bảo thủ luôn lấy việc chống phá Việt Nam nhằm tranh thủ lá phiếu của một số cử tri người Mỹ gốc Việt vẫn còn đầy hận thù với dân tộc, trong cuộc bầu cử nghị sĩ liên bang sắp tới ở Hoa Kỳ.

Cũng chính vì động cơ không trong sáng và những toan tính chính trị cá nhân như vậy, khi đưa ra những luận điệu vu cáo đó, họ đã cố tình phớt lờ những cơ sở pháp lý của Nhà nước Việt Nam về đất đai. Trong đó, Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai năm 2003 đều khẳng định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Trong khi, lúc nào cũng rao giảng rằng mọi hành xử đều phải tuân thủ luật pháp là nguyên tắc tối thượng, nhưng đối với Việt Nam - một nước có chủ quyền, họ lại tự cho mình quyền xúc phạm tới nền tảng pháp lý của Việt Nam, bằng những luận điệu vu cáo không thể chấp nhận. Từ hơn 10 ngày nay, sau khi thành phố Hà Nội đưa Công viên Hàng Trống ở 42 Nhà Chung và Công viên 1/6 ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng vào sử dụng, mọi hoạt động ở Giáo xứ Thái Hà và giáo phận Hà Nội đã dần ổn định. Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước cũng không truyền tải các thông tin liên quan đến vụ việc đòi đất ở hai khu vực này. Thế nhưng, bằng việc tiếp tục dựng lên câu chuyện về cái gọi là giáo dân “đòi đất”, rõ ràng, các thế lực này vẫn mưu toan dùng vấn đề dân chủ và tự do tôn giáo, để can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam.

Vì thế, cần phải khẳng định lại rằng, khu đất tại số 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung, Hà Nội, là hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Nhà nước Việt Nam. Nếu như trước đây, giáo xứ Thái Hà hay Giáo phận Hà Nội sử dụng, thì từ hơn 50 năm nay, những người quản lý trước đây của họ đã bàn giao quyền quản lý cho các cấp chính quyền Hà Nội. Hơn nữa, nếu nói rằng, khu đất 42 Nhà Chung do Công giáo quản lý từ thế kỷ 19, thì cũng chỉ được chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận. Bởi, vào thời điểm đó, khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, chúng đã chiếm và phá huỷ cả một ngôi chùa có tên là Báo Thiên trên chính mảnh đất này, để xây dựng Nhà Thờ lớn hiện nay.

Khi hoà bình lập lại năm 1954, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã xây dựng hệ thống chính sách quản lý đất đai trên tinh thần Hiến pháp đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý. Như vậy, không có ai có quyền sở hữu đất đai cá nhân, mà chỉ được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng. Và ngay khi đã được giao quyền quản lý, mà sử dụng không có hiệu quả, Nhà nước vẫn có thể thu hồi để sử dụng có hiệu quả. Vì lẽ đó, khi Công ty cổ phần may Chiến Thắng hay Trung tâm văn hoá thông tin Quận Hoàn Kiếm - những cơ quan được giao quyền sử dụng khu đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung, sử dụng không hiệu quả, chính quyền Hà Nội đã có quyết định thu hồi để xây dựng công viên Hàng Trống và công viên 1/6. Như vậy, mọi quyết định của Nhà nước Việt Nam đối với việc sử dụng đất đai đều được áp dụng cho mọi đối tượng, tổ chức và phải phù hợp với chính sách và Luật đất đai của Nhà nước Việt Nam.

Cho nên, hoàn toàn không có việc Nhà nước Việt Nam tịch thu đất của tôn giáo, cũng chẳng có một giáo dân nào bị đàn áp và càng không có việc ông Ngô Quang Kiệt đang bị quản thúc, theo dõi... như những luận điệu xuyên tạc của một số tổ chức và phần tử thiếu thiện chí với Việt Nam. Hiện nay, ông Ngô Quang Kiệt vẫn đi lại tự do và hoạt động tôn giáo bình thường. Các giáo dân ở giáo xứ Thái Hà cũng vậy. Chỉ những ai cố tình lợi dụng tự do tôn giáo có những hành vi vi phạm pháp luật mới bị xử lý theo đúng luật pháp. Một số vị dân biểu Mỹ, khi đề cập những diễn biến vừa qua ở giáo xứ Thái Hà viện dẫn điều 17 của Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ rằng “mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác” để bao che cho những hành động coi thường luật pháp của các vị chức sắc nhà thờ Thái Hà. Thế nhưng, họ lại cố tình bỏ qua điều 29 của bản Tuyên ngôn Nhân quyền này nêu rõ rằng: “Trong hành xử, mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng và phải đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong xã hội”. Rõ ràng, hành động của một số giáo dân quá khích trong thời gian qua là trái với những nguyên tắc này.

Thực tế đó cho thấy, họ, cũng như một số tổ chức nhân danh nhân quyền khác đã hành động với động cơ không trong sáng và chỉ vì những toan tính chính trị cá nhân. Mặc dù vậy, họ cũng không thể làm lu mờ hay xuyên tạc thực tế sống động về tình hình tự do tôn giáo hiện nay ở Việt Nam. Chỉ tính riêng ở thành phố Hà Nội, với gần 700 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, thì hầu hết các cơ sở này đã được sửa chữa, tu bổ lại. Ngay đối với Giáo hội Công giáo, khi các giáo phận nào có nhu cầu và xin cấp đất theo đúng các trình tự của pháp luật, Nhà nước Việt Nam đều xem xét nhanh chóng cấp và giao đất theo đúng các trình tự của pháp luật để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân. Biểu hiện cụ thể là, thành phố HCM vừa giao đất cho Toà Giám mục xây dựng Trung tâm mục vụ, tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11 nghìn mét vuông cho Toà Giám mục Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Nẵng cấp 9000 mét vuông cho Toà Giám mục Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị giao 15 ha cho Giáo xứ La Vang…

Sự hợp tác tốt giữa Giáo hội địa phương với chính quyền sở tại trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của đất nước và cộng đồng như vậy, cũng như sự bình yên đang trở lại với bà con giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà và Toà Giám mục Hà Nội, đã và đang làm thất bại những mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch. Bằng những luận điệu xuyên tạc trắng trợn về tình hình tôn giáo hiện nay ở Việt Nam, họ càng cho thấy sự cay cú và dã tâm chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Vì đất nước vững mạnh, vì cuộc sống bình yên, vì thủ đô anh hùng, đã và đang là sức mạnh, không cho phép bất cứ thế lực nào ngăn cản con đường đi lên của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên