Tín hiệu tích cực từ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản

VOV.VN - Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã mở ra những triển vọng tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Những "lần đầu tiên" quan trọng

Việc ông Suga chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho thấy, ông rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và lịch trình của ông trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài kể từ khi nhậm chức cũng khẳng định rõ điều này.

Kết quả tích cực đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản công bố ngay trong cuộc họp báo sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch ngày 19/10. Ông Suga một lần nữa lý giải lựa chọn điểm đến đầu tiên của mình: “Nhật Bản là Quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam được lựa chọn cũng bởi mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chứng kiến lễ trao 12 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống Covid-19, Hai bên đã thỏa thuận về việc áp dụng quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại, thúc đẩy sớm mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam và quýt Ưn siu của Nhật Bản.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong các hoạt động trên biển.

Tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông; sớm hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Không chỉ là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình, Việt Nam còn được ông Suga lựa chọn để truyền tải chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với khu vực và trên toàn thế giới trong lần đầu tiên xuất hiện trước cộng đồng quốc tế khi đang ở nước ngoài.

Tại cuộc diễn thuyết trước sinh viên trường Đại học Việt-Nhật ngày 19/10, ông Suga đã khẳng định “Tầm nhìn chung của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và quan điểm “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà Nhật Bản đang thúc đẩy có nhiều điểm chung cơ bản. Vì thế nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn của ASEAN và tin tưởng có thể cùng ASEAN tạo ra một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

Thủ tướng Nhật Bản cũng gửi gắm kỳ vọng về tương lai mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và ASEAN-Nhật Bản tới thế hệ trẻ các nước, mà đại diện là các sinh viên trường Đại học Việt-Nhật: “Nếu các em có ý chí mạnh mẽ, luôn nỗ lực hết mình và may mắn có những người bạn có thể cạnh tranh và khích lệ nhau tương tự như Nhật Bản và ASEAN thì các em có thể cùng nhau phát triển, khai mở những hướng đi mới và cùng tiến bước thực hiện những mục tiêu của mình.

Bản thân tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực và luôn trân trọng tình bạn với ASEAN, người bạn thân thiết không gì có thể thay thế. Chúng ta cùng nỗ lực tiến lên phía trước vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và ngày càng thịnh vượng”.

Một Việt Nam giàu bản sắc, yêu chuộng hòa bình

Dù có lịch trình làm việc khá dày đặc trong thời gian thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân đều dành thời gian tham quan một số địa điểm có ý nghĩa đặc biệt về mặt lịch sử và văn hóa của Việt Nam.

Cụ thể, sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây từng là địa điểm Bác Hồ sống và làm việc trong giai đoạn 1958 - 1969. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tiếp nhiều vị khách quốc tế.  

Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng đã đón tiếp hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách cấp cao, nguyên thủ quốc gia của nhiều nước và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế. Ao cá Bác Hồ cũng là địa điểm đón nhiều nguyên thủ quốc gia tới thăm và làm việc tại Việt Nam.

Có thể nói, việc Thủ tướng Nhật Bản thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch vừa mang ý nghĩa duy trì nghi thức truyền thống về mặt chính trị, vừa mang tính biểu tượng về giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Cùng ngày, phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Suga Mariko đã đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chuyến thăm thể hiện sự tương đồng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản vốn coi trọng phát triển giáo dục bởi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem như trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến.

Đây cũng là nơi Thượng hoàng Akihito và Hoàng hậu tới Việt Nam từng đến thăm hồi năm 2017 và gặp mặt các cựu du học sinh Việt Nam và các học sinh chuyên tiếng Nhật của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Phu nhân Mariko cũng dành thời gian thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nơi bà cảm thấy đặc biệt ấn tượng về sự tương đồng giữa nghệ thuật Ikebana của Nhật Bản và nghệ thuật thêu truyền thống của Việt Nam tại không gian giao lưu văn hóa Việt – Nhật tại Bảo tàng.

Một điểm nhấn rất đáng chú ý và được báo chí đăng tải nhiều trong ngày 20/10 chính là việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dạo bước quanh Hồ Gươm vào sáng sớm trước sự chứng kiến của đông đảo người dân thủ đô.

Hình ảnh ông Suga bình thản vẫy tay chào người dân bên đường là minh chứng rõ nét cho sự thân thiện, cởi mở của đất nước Việt Nam – mảnh đất hiếu khách và hòa bình từng chào đón nhiều lãnh đạo hàng đầu sang thăm vào dạo bước trên những con phố thân quen của Hà Nội như Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000, Tổng thống Mỹ Obama năm 2016, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe năm 2018…

Có thể nói, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Thủ tướng Nhật Bản Suga đã thành công không chỉ ở khía cạnh chính trị, kinh tế, đầu tư, phát triển mà còn ở góc độ lịch sử, văn hóa… Chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản mà còn giúp quảng bá, nâng tầm vị thế Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo và cả công dân các nước trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam-Nhật Bản trao đổi các văn kiện hợp tác trị giá gần 4 tỷ USD
Việt Nam-Nhật Bản trao đổi các văn kiện hợp tác trị giá gần 4 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá khoảng gần 4 tỷ USD.

Việt Nam-Nhật Bản trao đổi các văn kiện hợp tác trị giá gần 4 tỷ USD

Việt Nam-Nhật Bản trao đổi các văn kiện hợp tác trị giá gần 4 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá khoảng gần 4 tỷ USD.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tập thể dục buổi sáng ở Hồ Gươm
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tập thể dục buổi sáng ở Hồ Gươm

Sáng nay, 20/10, nhiều người dân Hà Nội bất ngờ và thích thú khi thấy Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tập thể dục buổi sáng tại Hồ Gươm ngay từ 6 giờ.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tập thể dục buổi sáng ở Hồ Gươm

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tập thể dục buổi sáng ở Hồ Gươm

Sáng nay, 20/10, nhiều người dân Hà Nội bất ngờ và thích thú khi thấy Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tập thể dục buổi sáng tại Hồ Gươm ngay từ 6 giờ.

Dự án ODA - cầu nối tin cậy xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Dự án ODA - cầu nối tin cậy xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

VOV.VN - Tất cả các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA hay viện trợ không hoàn lại, đều do một cơ quan điều phối đó là JICA.

Dự án ODA - cầu nối tin cậy xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Dự án ODA - cầu nối tin cậy xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

VOV.VN - Tất cả các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA hay viện trợ không hoàn lại, đều do một cơ quan điều phối đó là JICA.