Niềm tin 2009

Tiềm lực của đất nước còn rất lớn để khai thác và phát huy, tiếp tục vượt qua khó khăn trong năm 2009, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu

Bước vào năm 2009, đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Lớn nhất và quan trọng nhất là ngăn chặn cho được suy giảm kinh tế trước những tác động lan truyền từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới và những hệ lụy khi thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát ở trong nước…

Chèo lái nền kinh tế vượt qua cơn bão lạm phát

2008 là năm chồng chất khó khăn đối với Chính phủ trong trách nhiệm chèo lái nền kinh tế trụ vững trước cơn bão lạm phát và giá cả leo thang toàn cầu. Những tháng giữa năm, các tổ chức tài chính quốc tế lớn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới không ai có thể dự báo chính xác nền kinh tế thế giới sẽ đi đến đâu, giá dầu sẽ ngừng tăng ở mức nào…

Điều hành phát triển kinh tế trong bối cảnh dự báo gần như là con số 0 càng tăng thêm tính thách thức đối với Chính phủ. Cộng thêm trong nước thiên tai triền miên đã làm 550 người chết và mất tích, tàn phá nặng nề tài sản của Nhà nước và nhân dân, thiệt hại lên tới gần 12.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, tập thể Chính phủ từng ngày, từng giờ cập nhật và theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước để điều chỉnh cơ chế, chính sách và áp dụng “nóng” các biện pháp ứng phó kịp thời. Phòng làm việc của người đứng đầu Chính phủ luôn sáng đèn, có hôm đến tận 2h sáng. Ngay cả nửa đêm, Thủ tướng cũng liên tục yêu cầu Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính, Công thương, Nông nghiệp… báo cáo nhanh diễn biến tình hình qua điện thoại.

Có những ngày, Thường trực Chính phủ triệu tập các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế họp gối đầu liên tiếp từ sáng sớm đến tận đêm khuya để nhận định tình hình, thảo luận và thống nhất các biện pháp điều hành vĩ mô nền kinh tế, phương thức hỗ trợ cụ thể các lĩnh vực, ngành nghề và người dân trong khó khăn…

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và trên cơ sở phát huy trí tuệ của tập thể Chính phủ, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế, Chính phủ nhất trí chỉ đạo và thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội; được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, nó không chỉ tương trợ và tác động lẫn nhau mà còn thể hiện rõ quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là ngày càng chăm lo tốt nhất cho người dân.

Nhóm giải pháp đồng bộ này đã khẳng định sự đúng hướng trong điều hành nền kinh tế năm 2008. Trước hết về kinh tế, chúng ta đã kiềm chế thành công lạm phát và tăng trưởng kinh tế đạt 6,23% (mức tăng trưởng này trong khu vực chỉ đứng sau Trung Quốc và ấn độ). Các cân đối lớn của nền kinh tế đều được đảm bảo. Trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều chỉ tiêu đã vượt Kế hoạch phát triển KT-XH đến năm 2010. Chưa năm nào cụm từ an sinh xã hội lại được nhắc đến và thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến tận cơ sở nhiều như năm 2008.

Cùng với ban hành thêm 10 chính sách mới theo hướng nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, Ngân sách Nhà nước năm 2008 đã chi 42,3 nghìn tỷ đồng để điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, trợ cấp đối với người về hưu, người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người có công với cách mạng; hỗ trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt; thực hiện miễn giảm các khoản đóng góp của người dân như miễn thủy lợi phí, không thu phí dự thi, miễn lệ phí trước bạ đối với nhà ở, đất ở của các hộ nghèo; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn.

Với quyết tâm không để người dân nào phải thiếu đói, Chính phủ cấp khoảng 50.000 tấn gạo cho đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh. Đây là hành động mà nhiều quốc gia trên thế giới khó có thể làm được.

Từ chống lạm phát đến ngăn suy giảm kinh tế

Những tháng cuối năm 2008, trước những tác động từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, Chính phủ buộc phải chuyển hướng tập trung mọi nỗ lực và giải pháp để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Khó khăn lại tiếp tục chồng chất khó khăn mới trong năm 2009.

Tình hình nào thì đặt ra nhiệm vụ đó nhưng trước hết cần thấy rõ tiềm lực của đất nước còn rất lớn để khai thác và phát huy, tiếp tục vượt qua khó khăn trong năm 2009. Đầu tiên là chính trị xã hội nước ta luôn ổn định. Bạn bè quốc tế đánh giá đây là lợi thế, là tài sản lớn của Việt Nam hiện nay.

Thứ hai là trong nhiều năm qua, chúng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục. Ngay trong lúc khó khăn này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và hiệu quả.

Thứ ba là thị trường nội địa với dân số gần 87 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người một năm đã chạm mức 1.000USD sẽ là một thị trường tiêu dùng hàng hóa rất lớn.

Thứ tư là nền kinh tế thế giới suy thoái, giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu, máy móc và công nghệ đều hạ, trong khi đó nội lực tài chính của đất nước còn rất nhiều khả năng. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta tranh thủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư, đáp ứng nhu cầu rất lớn của đất nước, nhất là phát triển hạ tầng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế.

Thứ năm là kinh nghiệm quý giá trong kiềm chế thành công lạm phát vừa qua là cơ sở vững chắc, niềm tin để chúng ta tiếp tục đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn và thách thức.

Chính phủ xác định rõ, nếu không ngăn chặn được suy giảm kinh tế thì chắc chắn sẽ không duy trì được tăng trưởng và nếu không có tăng trưởng thì không thể đảm bảo an sinh xã hội. Muốn ngăn chặn suy giảm kinh tế thì không có cách nào khác là phải tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Lại thêm những đêm trắng nữa, người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ họp bàn để cụ thể hóa chủ trương chính sách thành 5 nhóm biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Ngay từ những ngày đầu năm, các bộ, ngành tập trung ráo riết sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng chấp nhận thất thu khoảng 1.500 tỷ đồng để thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất tiêu dùng tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm.

Bên cạnh chủ trương phát hành thêm trái phiếu Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ dành 1 tỷ USD, tương đương khoảng 17.000 tỷ đồng từ Quỹ Dự trữ ngoại tệ Quốc gia để hỗ trợ lãi suất vay thương mại cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm tới 96% doanh nghiệp của cả nước và 96% lao động cũng đang làm việc tại khu vực này.

Chính phủ khẳng định, không thiếu tiền cho các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu; vấn đề là các bộ, ngành và các địa phương điều hành giải ngân như thế nào cho hết vốn, trước hết là khoảng 200.000 tỷ đồng chủ yếu cho lĩnh vực phát triển hạ tầng năm 2009.

Bên cạnh chỉ đạo ban hành các quy định lựa chọn nhà thầu theo hướng giao quyền, giao trách nhiệm cho người trực tiếp thực hiện, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, Thủ tướng Chính phủ còn đồng ý cho các địa phương lên danh sách các dự án, công trình cần thiết phải chỉ định thầu mà có hiệu quả, trình Thủ tướng phê duyệt. Đây là giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản vốn rất ì ạch trong nhiều năm qua. Hệ thống ngân hàng sẽ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể như tiếp tục tính toán hạ lãi suất cơ bản, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Chính phủ cam kết sẽ đảm bảo đủ kinh phí để tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là quan tâm hỗ trợ thiết thực hơn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và lao động bị mất việc làm. Bắt đầu từ đầu năm, cả nước sẽ triển khai đồng bộ bảo hiểm thất nghiệp, bắt tay thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng 500.000 căn nhà cho người nghèo, ứng trước ngân sách 3 nghìn tỷ đồng để triển khai Chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất cả nước thoát nghèo nhanh và bền vững. Chính phủ cũng đang tính toán dành khoảng 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ 3,5 triệu hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán…

Tiềm năng, tiềm lực và thuận lợi của đất nước còn rất lớn, lớn nhất là chính trị xã hội ổn định và chắc chắn sẽ tiếp tục ổn định vững chắc hơn, vì sự ổn định này dựa trên nền tảng vững chắc, đó là lòng tin của nhân dân đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và sự điều hành năng động của Chính phủ. Và đó cũng chính là niềm tin vững chắc của chúng ta về  năm 2009 - một năm phát triển mới của đất nước./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên